Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drắk: Tích cực kết nối, giới thiệu, giải quyết việc làm

15:57, 14/12/2023

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được huyện M’Drắk quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, đã giúp nhiều lao động có việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Huyện M’Drắk hiện có 42.451 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 37.576 người có việc làm và đang tham gia hoạt động kinh tế. Nhằm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động, hằng năm UBND huyện đều triển khai nhiều kế hoạch đến các xã, thị trấn; tổ chức tập huấn về thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động và lồng ghép phổ biến, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lao động khi tham gia học nghề, các chính sách hỗ trợ vay vốn từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội... Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu của người dân ở từng địa phương.

Người lao động huyện MDrắk tìm hiểu thông tin tuyển dụng, việc làm tại một phiên giao dịch việc làm.
Người lao động huyện M'Drắk tìm hiểu thông tin tuyển dụng, việc làm tại một phiên giao dịch việc làm lưu động.

Một trong những giải pháp để thực hiện tốt công tác kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương chính là việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động. Bà Hòa Thị Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện M’Drắk cho biết: Mục đích của các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn huyện nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, trong đó ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sinh sống ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn…

Theo đó, khi có thông tin về các phiên giao dịch việc làm sẽ được tổ chức tại địa phương thì UBND huyện đều ban hành kế hoạch cụ thể với đầy đủ các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện tham gia thực hiện. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng Văn hóa thông tin, Đài Truyền thanh – truyền hình huyện, UBND các xã, thị trấn thông báo rộng rãi đến người lao động về nội dung các phiên giao dịch việc làm để họ biết và tham gia. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện, các ban, ngành của huyện thì bố trí cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia tại các phiên giao dịch để hỗ trợ người lao động.

Người dân huyện MDrắk tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động.
Người dân huyện M'Drắk tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động.

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của huyện M'Drắk nên việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều người đã có việc làm sau các phiên giao dịch. Trong 2 năm (2022 và 2023), UBND huyện và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp tổ chức được 31 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 92 lượt doanh nghiệp tham gia; số lao động tham gia và được tư vấn việc làm, nghề nghiệp khoảng 1.500 người; số lao động được tuyển dụng trực tiếp và hẹn phỏng vấn khoảng 130 người… Năm 2023, số lao động được giải quyết việc làm đạt 1.678/1.443 lao động (đạt 116,3% so với kế hoạch), trong đó, giải quyết việc làm mới đạt 789/679 lao động (đạt 116,2%). Hiện số hộ nghèo của huyện còn 5.423 hộ (giảm 1.476 hộ, giảm 7,23%  so với cuối năm 2022); số hộ cận nghèo còn 2.962 hộ (giảm 502 hộ, giảm 2,38% so với cuối năm 2022).

Thực tế cho thấy, công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện M’Drắk đã được chú trọng, song nhận thức của người lao động về học nghề, hiệu quả của học nghề và tạo việc làm còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Theo bà Hòa Thị Hằng thì đa số người lao động trên địa bàn huyện chủ yếu hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, tự tạo việc làm nên thu nhập chưa cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện ít công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp nên vấn đề tuyển dụng lao động còn hạn chế. Thêm vào đó, người học nghề, người lao động chưa mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, rời buôn làng để đi làm ở các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh cũng như ở nước ngoài…

Chính vì vậy, thời gian tới Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động, cung cấp thông tin tuyển dụng lao động đến người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu quả việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.