Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm xã hội tỉnh: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số toàn diện

09:18, 31/01/2024

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn được đánh giá là một trong các cơ quan ngành dọc dẫn đầu về công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng đến phục vụ tốt nhất quyền lợi của người dân và doanh nghiệp khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Tăng tiện ích, tăng sự hài lòng

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính”, BHXH tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa nền tảng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhằm giảm thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận Một cửa, BHXH tỉnh.

Đến nay, BHXH tỉnh đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam và xây dựng kế hoạch cải cách hành chính phù hợp thực tiễn của ngành, địa phương; cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam trên Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp 7 dịch vụ công trên ứng dụng VssID - BHXH số; tất cả các thủ tục hành chính của ngành đều được thực hiện trên không gian số.

Một trong những tiện ích thiết thực nhất đối với mỗi người dân đó là cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng thiết bị di động và tích hợp tính năng đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản định danh điện tử VNeID. Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia - thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH; sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT  một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng.

Bên cạnh đó, toàn ngành BHXH từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố đều tập trung thực hiện các giải pháp để triển khai Đề án số 06 của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia có liên quan đến nghiệp vụ của ngành, trong đó, tập trung cập nhật bổ sung định danh cá nhân/căn cước công dân (CCCD) theo kế hoạch đã đề ra. Tính đến ngày 30/11/2023 số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được cập nhật số định danh cá nhân vào cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý và xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 1.601.249 người, đạt tỷ lệ 97,49%; số lượt khám chữa bệnh thành công bằng CCCD trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 772.290 lượt trên tổng số 828.682 lượt tra cứu dữ liệu CCCD; 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD. Từ cơ sở của ngành được chuẩn hóa đã giúp ích cho người dân đăng ký, thực hiện được dễ dàng các dịch vụ công mà ngành BHXH đã cung cấp như thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, định danh điện tử VNeID thay thế thẻ BHYT giấy; liên thông cấp giấy khám sức khỏe phục vụ cấp lại giấy phép lái xe; đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình có giảm trừ mức đóng, đăng ký hưởng BHTN, đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên Cổng dịch vụ công…

Chuyển đổi tư duy số

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn, chuyển đổi số của ngành trước hết là chuyển đổi về tư duy. Lãnh đạo và viên chức ngành BHXH đã xác định nhiệm vụ của ngành hiện nay và trong tương lai gần không thể tách rời môi trường số, từ đó mỗi cá nhân đều chủ động cập nhật các kiến thức mới về công nghệ, chuẩn bị các công cụ thiết yếu phục vụ công việc trong môi trường số. Nhờ vậy, đến nay, 100% nghiệp vụ của ngành được thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% công chức, viên chức và người lao động được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ được thực hiện trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice), được thống nhất; có kết nối, liên thông để gửi/nhận văn bản với các đơn vị, tổ chức 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số…

Đoàn viên thanh niên BHXH tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên thiết bị di động.

Thời gian tới, để công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành BHXH, đặc biệt là việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đạt được kết quả như kế hoạch đã đề ra, BHXH tỉnh sẽ chủ động rà soát, tham gia đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn của BHXH Việt Nam về quy trình nhiệm vụ và triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 để cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tham gia rà soát, đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính, cải tiến quy trình tiếp nhận, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.