Multimedia Đọc Báo in

Bước tiến chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

09:22, 29/01/2024

Những năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động, xem chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã triển khai hiệu quả việc khám chữa bệnh từ xa qua hệ thống Telehealth. Dù không thay thế hoàn toàn được khám chữa bệnh trực tiếp, nhưng Telehealth hiện được xem là công cụ bổ trợ ưu việt vì nhanh chóng, thuận tiện, có thể đưa dịch vụ y tế tới nhiều người. Nhờ hệ thống Telehealth, các bác sĩ có thể tham gia hội chẩn, chữa trị, can thiệp kịp thời trong các ca bệnh khó, kịp nắm bắt “thời gian vàng” trong điều trị.

Ngoài kết nối với tuyến Trung ương, thông qua hệ thống Telehealth, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên còn tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (thứ ba từ trái sang) kiểm tra việc triển khai thực hiện phần mềm quản lý khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Song song với việc áp dụng CĐS trong công tác khám chữa bệnh, việc quản lý lưu trú tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng được đẩy mạnh nhằm cụ thể hóa Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong năm 2023, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột triển khai mô hình điểm “Thông báo lưu trú tại các cơ sở khám chữa bệnh trên ứng dụng ASM”. Đây là mô hình thông báo lưu trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên ứng dụng ASM đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, việc sử dụng phần mềm thông báo lưu trú ASM được kết nối với Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đảm bảo dữ liệu cá nhân được bảo mật an toàn, thông tin lưu trú được cập nhật, đồng bộ liên tục lên hệ thống, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phục vụ đảm bảo an ninh trật tự và công tác quản lý của ngành y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Thành cho biết, Sở cũng đã đăng ký triển khai mô hình điểm về đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” với mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và ứng dụng VNeID. Từ khi triển khai mô hình đến nay, đã có 225/225 cơ sở khám chữa bệnh sử dụng căn cước công dân để tra cứu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh để cập nhật thông tin người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Sở Y tế cũng đã triển khai phần mềm Quản lý Y tế cơ sở tại 185/185 trạm y tế xã/phường/thị trấn và triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” nhằm cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, qua đó đã có trên 4.800 lượt người dân đăng ký khám và khám bệnh thành công. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng từng bước triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy.

“Để tiếp tục thực hiện tốt công tác CĐS, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử bảo đảm thực chất, hiệu quả” - Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Thành cho biết thêm.

Nguyên Hà


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.