Chuyện về những phụ nữ làm nghề cắt tóc nam
Ngày nay, những phụ nữ làm nghề cắt tóc nam không còn hiếm. Đến tiệm cắt tóc nam do phụ nữ hớt tóc, bạn không những có mái đầu đẹp như ý mà còn được nghe nhiều câu chuyện thú vị về cái nghề làm đẹp cho phái mạnh…
Muôn kiểu chọn nghề…
Tiệm hớt tóc nam của chị Phương là một căn phòng nhỏ gần ngã ba Mai Hắc Đế - Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). Dù không treo biển hiệu bên ngoài nhưng tiệm lúc nào cũng đông khách. Thời điểm cận Tết, nhu cầu làm đẹp của quý ông tăng cao, chị và 2 nhân viên làm việc liên tục từ sáng đến khuya.
Chị Phương kể con đường đến với nghề hớt tóc nam vui lắm. Nhà ở huyện, học hết cấp 3, Phương thi trượt đại học. Bố mẹ cho tiền để chị đi học nghề may trên phố. Một hôm Phương về nhà người bạn chơi. Bạn của Phương có ba làm nghề hớt tóc. Chị tò mò đứng xem và thấy nhiều người có nhu cầu cắt tóc, chỉ bỏ ra chút công sức, trong vài giờ thợ cắt tóc đã thu được số tiền công mà một thợ may phải mất vài ba ngày đo đạc tính toán, cắt, vắt sổ, may ra được bộ quần áo mới kiếm được. Phương nghĩ: “Sao mình không theo nghề này nhỉ”? Về nhà, chị thăm dò ý bố mẹ thì ai cũng cản. Lý do đơn giản: “Con gái chưa chồng, suốt ngày tiếp xúc với đàn ông, ai dám lấy. Hơn nữa, những chuyện tai tiếng về “hớt tóc thanh nữ”, bố mẹ không nói ra thì Phương cũng thừa hiểu. Nhưng chị nghĩ: “Nghề nào kiếm ra tiền chính đáng cũng là nghề cao quý”. Thế là thay vì đi học may, Phương đến thẳng tiệm hớt tóc. Và chỉ trong vòng 3 tháng, chị đã thạo nghề hớt tóc nam. Với số vốn ít ỏi, Phương mua bộ đồ nghề, thuê căn phòng nhỏ làm nghề.
Ngày càng có nhiều phụ nữ làm nghề cắt tóc nam. |
Chị Mai (ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là thợ làm trong tiệm của chị Phương. Khác với người chủ tiệm hớt tóc của mình, chị Mai phải nghỉ học sớm vì hoàn cảnh gia đình. Chị đến với nghề cắt chỉ vì mê… tiếng kéo. Tiếng kéo lách cách, lách cách lặp đi lặp lại trong lần chở em trai đi hớt tóc khiến cô bé tuổi 18 say mê. Và Mai đã quyết tâm học nghề cắt tóc nam, mặc cho gia đình cấm cản. Chỉ trong vòng 3 tháng vừa học, vừa luyện tay nghề, Mai cũng đã tự tin ra thuê mở tiệm cho riêng mình. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp của Mai không suôn sẻ, hai lần thuê mở quán thì một lần sinh con phải đóng cửa nghỉ; lần thứ hai trúng đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Trong thời gian chờ cơ hội tốt để mở lại tiệm, Mai đến làm ở tiệm của chị Phương.
Trinh là thợ nhỏ tuổi nhất trong tiệm thì được cha mẹ cho đi học cắt tóc nữ. Học ra nghề rồi muốn mở tiệm làm tóc nữ đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên Trinh đến chỗ chị Phương vừa làm vừa học thêm cắt tóc nam. Ban đầu chỉ là “thử cho vui”, nhưng sau thời gian Trinh lại thích công việc này và cô đã làm việc cùng chị Phương 7 năm. Mỗi thợ được chị Phương trả lương 7 triệu đồng/người/tháng, chưa kể thưởng các dịp lễ tết.
Vui, buồn chuyện nghề
Nghề cắt tóc nam nhẹ nhàng mà vốn đầu tư ban đầu cũng không quá nhiều. Chính vì vậy, ngày càng nhiều phụ nữ chọn công việc này.
Dù vậy, phụ nữ hay bị thiệt thòi, định kiến, nhất là những chị em làm những nghề thường mặc định là dành cho đàn ông. Chị Phương tâm sự: “Nghề cắt tóc nam xưa chỉ dành cho đàn ông, nay phụ nữ làm công việc này thì tránh sao khỏi tiếng chì, tiếng bấc. Mà cũng có nhiều tiệm treo biển hớt tóc nam nhưng lại kinh doanh xác thịt thì trách gì miệng đời. Hơn 25 năm làm nghề cũng có lúc gặp khách này nọ. Có những khách say xỉn buông lời tán tỉnh, đụng chạm. Mình phải có bản lĩnh, mềm mỏng nhưng kiên quyết. Nói tóm lại, công việc mình thì mình cứ làm, mình cứ đường hoàng thì dẫu có muốn làm liều thì cũng chẳng ai dám động đến mình…”. Với chị Phương, nghề cắt tóc nam không chỉ mang lại thu nhập, mà còn cả hạnh phúc. Chị cười kể: “Mình lấy được chồng làm ngành điện lực nhờ hớt tóc nam… Ổng tới ngồi xem hớt tóc cho bạn ổng rồi mê luôn… Không biết mê người hay mê kéo nữa”.
Tiệm hớt tóc nam của chị Xuân ở ngã ba Ea Kao nay đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Chị Xuân chủ tiệm đã có gần 30 năm làm nghề. Chị Xuân từng trải qua nhiều năm vô cùng khó khăn do không có mặt bằng. Chị từng thuê mở tiệm hết chỗ này đến chỗ khác, rồi trở về Ea Kao, ban đầu là thuê, sau chị đã mua được đất làm được căn nhà khang trang. Hiện nay cơ sở tóc nam của chị rộng rãi, có máy lạnh. Chị thường xuyên tuyển dạy nghề từ 5 đến 10 người không lấy tiền học phí. Học viên đến học được chị cho ăn ở, nuôi cơm, chỉ sau một thời gian khi làm được việc chị sẽ trả lương từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Nhu cầu hớt tóc, làm đẹp của nam giới rất nhiều và yêu cầu ngày càng cao hơn. Những phụ nữ cắt tóc nam có ưu điệm là chịu khó, tỉ mỉ ở các công đoạn cạo mặt, lấy ráy tai, gội đầu, hay khi khách yêu cầu cao như cắt tỉa móng chân, móng tay, nhuộm tóc, đắp mặt nạ làm đẹp… thì thợ nữ đều có thể làm tốt.
Trương Nhất Vương
Ý kiến bạn đọc