Multimedia Đọc Báo in

Đưa hàng Việt về nông thôn dịp Tết

05:55, 26/01/2024

Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân càng tăng cao. Những chuyến xe đưa hàng Việt về nông thôn cũng được tổ chức để phục vụ bà con tại các xã vùng sâu, vùng xa mua sắm.

Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã tập trung tại Nhà văn hóa thôn 2A (xã Ea M’nang, huyện Cư M'gar) để tham gia chương trình bán hàng lưu động “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Siêu thị Co.opmart Cư M’gar tổ chức.

Ông Võ Thành Lân, Phó Giám đốc siêu thị cho hay, mặc dù chương trình bán hàng chỉ tổ chức trong một ngày (18/1) nhưng đã được người dân nhiệt tình đón nhận. Hàng hóa bày bán trong dịp này khá phong phú, đa dạng với khoảng 200 mặt hàng, chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu như: bánh, kẹo, dầu ăn, nước mắm, bột giặt, quần áo, giày dép, xoong nồi… Các sản phẩm đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người dân xã Ea M’nang (huyện Cư M'gar) chọn mua các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt tại chương trình bán hàng lưu động “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Siêu thị Co.opmart Cư M’gar tổ chức.

Để hỗ trợ bà con mua sắm Tết, đơn vị bán hàng không lợi nhuận, kèm theo nhiều ưu đãi hấp dẫn như: giảm giá sâu từ 40 – 50%, mua hàng tặng quà đi kèm, mua hai tặng một… Ngoài ra, siêu thị cũng huy động 10 nhân viên tham gia tư vấn, bán hàng và bố trí phương tiện bổ sung nguồn hàng kịp thời để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

 

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các siêu thị: Co.opmart Buôn Ma Thuột , Co.opmart Cư M’gar, Co.opmart Buôn Hồ tổ chức 5 chuyến bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các huyện Ea Súp, Cư M’gar và Krông Năng.

Thông qua chương trình, người dân đã có cơ hội được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng mang thương hiệu Việt có chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Gia đình bà Phạm Thị Ngọc Tú (thôn 1A, xã Ea M’nang) có 7 người nên nhu cầu tiêu dùng cao. Đều đặn, 2 lần/tháng bà đều ra trung tâm huyện cách nhà 10 km để mua hàng hóa. Năm nay, có chuyến hàng về đúng dịp gần Tết đã giúp việc mua sắm của gia đình trở nên thuận tiện hơn. “Tôi không cần đi xa mà vẫn có thể mua đầy đủ hàng hóa cần thiết phù hợp với túi tiền và yên tâm về chất lượng”, bà Tú chia sẻ.

Chọn lựa được nhiều mặt hàng thiết yếu cho gia đình, bà Trần Thị Hiền (thôn 1B, xã Ea M’nang) cho biết: “Có những chuyến hàng về tận nơi phục vụ vào dịp Tết như thế này, bà con rất mừng. Tôi rất hài lòng về những sản phẩm, hàng hóa được bày bán ở đây vì chất lượng sản phẩm tốt, có đầy đủ thông tin. Đặc biệt là giá cả hàng hóa được niêm yết rõ ràng, lại có nhiều chương trình giảm giá, phù hợp với thu nhập của người dân vùng nông thôn”.

Theo ông Nguyễn Châu Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’nang, đây là lần đầu tiên chuyến hàng lưu động về địa phương để phục vụ người dân vào dịp Tết. Chuyến hàng đã giúp người dân vùng nông thôn có cơ hội trực tiếp mua sắm sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, với chất lượng bảo đảm, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp. Đồng thời, được tiếp cận với phương thức mua hàng hiện đại và biết thêm nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong mua sắm và tiêu dùng hàng Việt.

Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm tại chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" ở huyện Krông Ana. Ảnh: Đỗ Lan

Chuyến hàng Việt về nông thôn do Siêu thị Co.opmart Buôn Hồ tổ chức tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) từ ngày 23 đến 24/1 bày bán nhiều loại hàng hóa (thuộc nhóm hàng thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình), kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nên đã thu hút được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm.

Theo bà Đỗ Thị Phước Hạnh (chuyên viên quản lý chất lượng, Siêu thị Co.opmart Buôn Hồ), các mặt hàng được bán trong chuyến hàng lưu động đều có mức giá phù hợp với thu nhập của người dân vùng nông thôn; trong đó ưu tiên các hàng hóa khuyến mãi để người dân dễ dàng tiếp cận và tiết kiệm được một khoản chi phí mua sắm Tết. Cùng với việc tổ chức bán hàng, siêu thị còn dành tặng 11 suất quà (trị giá 430 nghìn đồng/suất) cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại địa phương, giúp họ được tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.