"Người mẹ thứ hai"!
Bằng tình yêu thương, sự hy sinh cao cả, những năm qua, tập thể bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chung tay chăm sóc, nuôi nấng và trở thành “người cha”, “người mẹ” thứ hai của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Những “thiên thần” bị bỏ rơi
Ngày 21/12/2023, tập thể Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tổ chức buổi tiệc thôi nôi ấm cúng cho một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được cả khoa gọi bằng cái tên thân mật “con trai”. Một năm về trước, khi em vừa chào đời, mẹ đã bỏ em lại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh với một mẩu giấy ghi vỏn vẹn vài dòng: “Là mẹ đơn thân, gia đình khó khăn, mắt mũi kém, con tôi bệnh nặng, tôi không tiếp tục nuôi dưỡng chăm sóc cháu được và để lại nhờ bệnh viện nuôi dưỡng được ngày nào hay ngày đó”.
Bé trai bị bỏ rơi vào một năm trước được tập thể Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tận tình chăm sóc và gọi bằng cái tên thân mật “con trai”. |
Lúc chào đời, bé trai chỉ nặng 1,6 kg với tiên lượng bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao nên được chuyển từ Khoa Phụ sản qua chăm sóc, điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh. Lúc ấy, nhìn thân hình bé nhỏ, non nớt phải gồng mình chiến đấu với bao bệnh tật, không có tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, thoi thóp giữa lằn ranh sinh tử, các bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh vô cùng thương cảm. Không ai bảo ai, mọi người đều quyết tâm cứu sống bằng được bé, thay phiên nhau chăm sóc để bù đắp những tổn thương, thiệt thòi mà “thiên thần nhỏ” phải gánh chịu.
Để thuận tiện cho việc chăm sóc, “con trai” của khoa được những “người cha”, “người mẹ” thứ hai đặt ở một góc phòng trực của khoa trong chiếc nôi nhỏ. Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã rất khó khăn, nên việc chăm sóc “con trai” khó càng thêm khó. Mang trong mình nhiều bệnh lý lại khó ăn, khó uống, mỗi bữa ăn của bé mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của khoa luôn sắp xếp thay phiên nhau chăm sóc bé từng miếng ăn giấc ngủ. Có lẽ chính tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc của những “người mẹ thứ hai” đã tạo nên phép màu nhiệm, tiếp thêm sức mạnh cho “con trai” vượt qua bệnh tật. Cậu bé yếu ớt từng đứng giữa lằn ranh sinh tử hôm nào nay sức khỏe đã được cải thiện, bụ bẫm, đáng yêu.
Theo chia sẻ của bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, sau quá trình điều trị lâu dài ở bệnh viện sức khỏe cháu bé đã dần ổn định. Tuy vậy, với chứng bệnh bại não sẽ rất khó khăn cho ai nhận nuôi dưỡng cháu bé. Bình thường những cháu nhỏ khác bị bỏ rơi tại khoa đều được người khác đến nhận nuôi hoặc được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Riêng với trường hợp của “con trai”, các y bác sĩ của khoa mong tổ chức nào có đủ điều kiện, có tình yêu thương thực sự lớn nhận nuôi dưỡng, chăm lo và bù đắp sự thiệt thòi cho “thiên thần nhỏ”.
Cũng không may bị mẹ bỏ rơi lúc mới chào đời, những lúc bé gái hơn một tháng tuổi khóc ngặt lên vì khát sữa lại khiến cả khoa không khỏi xót xa. Bé gái được mẹ tên là H’ Như Niê cho nhập Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh vào ngày 13/11/2023 rồi từ đó bặt vô âm tín. Sau nhiều lần liên hệ với gia đình để giải thích tình trạng bệnh mà không được, cán bộ của khoa đã liên hệ với nhân viên y tế ở tuyến huyện và được biết em sinh ra tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, từ đó lấy được giấy chứng sinh để giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho bé. Trong suốt quá trình đó, ai cũng hy vọng sẽ tìm ra địa chỉ nơi người thân em ở, mong họ suy nghĩ lại để đón em về chăm sóc. Nhưng hy vọng ấy cỏ vẻ rất mong manh khi được biết mẹ em đã trốn viện sau khi sinh, liên hệ theo số điện thoại đăng ký trong phiếu khai thông tin cũng không liên lạc được. Khoa cũng đã báo bộ phận hành chính của bệnh viện để nhờ công an hỗ trợ nhưng hiện vẫn chưa có tin tức.
Tình thương và trách nhiệm
Theo thống kê, mỗi năm Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh tiếp nhận, chăm sóc, điều trị từ 4 - 7 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đa phần là những bé sinh non, mắc các dị tật bẩm sinh hoặc có bệnh lý nguy hiểm. Trong suốt quá trình chăm sóc, điều trị, khoa cũng cố gắng liên hệ với người nhà bằng cách gửi thông báo qua đường bưu điện hoặc gọi điện thoại, tuy nhiên, hầu hết trẻ không có người thân đến nhận.
Bé gái hơn một tháng tuổi bị bỏ rơi hằng ngày được bác sĩ và nhân viên y tế Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nuôi dưỡng, chăm sóc. |
Bác sĩ H’ El Niê, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh cho biết, năm 2023, khoa tiếp nhận 4 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trong đó có 2 trường hợp đã được làm thủ tục nhận nuôi. Những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi không chỉ thiệt thòi về tình cảm, môi trường sống, chế độ chăm sóc mà việc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan từ giấy khai sinh, bảo hiểm y tế... đến các thủ tục cho nhận nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, sữa, tã, bỉm và các vật dụng sinh hoạt cho trẻ đều do cán bộ, nhân viên y tế trong khoa tự trích tiền túi để lo. Thời gian chăm sóc cũng được phân công theo lịch làm việc thường nhật. Ngoài ra, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nhóm thiện nguyện, khoa cũng vận động được sự hỗ trợ bằng hiện vật của các mạnh thường quân, tiếp thêm sức để cùng bảo vệ, chăm sóc và bù đắp cho những thiệt thòi, tổn thương của các em.
Yêu thương, chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bằng tình thương của người cha, người mẹ, dẫu biết “công sinh không bằng công dưỡng” nhưng tập thể cán bộ, nhân viên Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh vẫn ngày ngày đăng thông báo tìm kiếm người nhà cho các bé. Bởi hơn ai hết, họ hiểu với một đứa trẻ, không gì bằng được lớn lên trong hơi ấm và vòng tay yêu thương của gia đình.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc