Multimedia Đọc Báo in

Những hành trình dấn thân...

08:21, 15/01/2024

Khi nhắc đến nghề báo, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc nhà báo là người hay được “đi đây đi đó", được gặp gỡ nhiều người nhưng ít ai biết được bên cạnh những vinh dự, tự hào đó thì cũng có không ít áp lực, nhọc nhằn, nguy hiểm mà chỉ có những người trong cuộc mới thấu cảm.

Với những người làm báo, nhắc đến những chuyến đi và tác phẩm ra đời sau mỗi chuyến công tác đều là những trải nghiệm và là kỷ niệm đáng nhớ. Đặt chân qua mỗi vùng đất, tiếp xúc với không biết bao nhiêu con người, nhân vật cũng khó có thể kể hết, nhưng ai cũng sẽ có những chuyến đi, sự việc “để đời” mà mỗi khi nhắc lại nó chỉ như mới vừa diễn ra ngày hôm qua.

Với tôi, đó là chuyến cùng đồng nghiệp đi lấy tư liệu viết loạt bài về sạt lở bờ sông tại các huyện Krông Ana, Lắk, Ea Kar và Krông Pắc. Nhằm tận mắt chứng kiến hình ảnh những bờ sông bị sạt lở, ăn sâu vào đất ở, đất sản xuất của người dân, chúng tôi theo chân cán bộ địa phương đi dọc bờ sông Krông Nô, Krông Ana để ghi nhận thực tế và chụp lại hình ảnh. Để rồi, có những khi đang đứng ghi lại hình ảnh sạt lở và tàu thuyền đang hút cát, tôi cảm nhận được phần đất dưới chân cao hơn bờ sông hàng chục mét đang lún dần, phải hốt hoảng chạy vội ra chỗ khác để không bị cuốn theo đất cát xuống lòng sông.

Phóng viên Báo Đắk Lắk thu thập tư liệu trong loạt bài viết về sạt lở bờ sông.

Khi tìm đến một điểm tập kết cát của một doanh nghiệp, chúng tôi vừa chụp mấy tấm ảnh thì bị hai đối tượng hùng hổ chặn lại truy hỏi: “Chúng mày là ai, vào chỗ của tao làm gì”?; đồng thời đòi lấy máy ảnh và xóa những bức ảnh chúng tôi đã chụp, kèm theo là những lời chửi bới tục tĩu, dọa dẫm như: “Chúng mày biết đây là bãi cát của ai không?”, “Mày thích gọi công an à, gọi đi. Hay để tao gọi cho!"... Chúng tôi phải vừa khéo léo, vừa "gan lì" tìm cách xử lý tình huống, tìm sự trợ giúp cần thiết từ bên ngoài, để bảo vệ tư liệu và bản thân, rời đi an toàn.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi thu thập, tìm kiếm tư liệu thực tế ở địa phương, chúng tôi tìm đến cơ quan chức năng hẹn làm việc để trao đổi, làm rõ thêm vấn đề cũng như hướng giải quyết để thông tin đến người dân, độc giả thì cũng gặp không ít những trở ngại khi không nhận được sự ủng hộ, hợp tác tích cực. Sau rất nhiều lần bị từ chối làm việc vì những lý do không thuyết phục, chúng tôi buộc phải có thái độ cứng rắn, kiên quyết thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, cùng với đó cũng phải kiên trì gỡ từng chỗ vướng...

Hình ảnh bờ sông bị sạt lở trong loạt bài mà phóng viên Báo Đắk Lắk đã ghi lại.

Để hoàn thành loạt bài đó, chúng tôi phải mất ròng rã gần 2 tháng trời từ việc lên ý tưởng, đi thực tế, thu thập thông tin đến liên hệ cơ quan chức năng rồi viết... Sau những nhọc nhằn, nguy hiểm, khi bài viết được đăng tải, nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc và đồng nghiệp; đặc biệt là sự vào cuộc của lực lượng chức năng, tôi và đồng nghiệp thở phào nhẹ nhõm. Đó cũng chính là động lực để những người làm báo như chúng tôi tiếp tục đam mê và dấn thân với nghề.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.