Multimedia Đọc Báo in

Đề phòng nguy cơ cháy rừng từ đốt cỏ, rác

08:02, 29/02/2024

Tây Nguyên đang ở giai đoạn cao điểm mùa khô; thời tiết nắng nóng và gió lớn dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nhất là cỏ khô mọc hoang tại các khu đất trống, những dự án chưa được xây dựng hoặc tại các khu dân cư, bị bắt lửa sẽ cháy lan rất nhanh, tạo thành đám cháy lớn.

Không chỉ gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy mà việc đốt cỏ, rác không cẩn trọng còn có thể dẫn tới mất an toàn giao thông bởi khói từ các đám cháy theo gió tràn ra đường, dẫn tới tầm quan sát của lái xe bị hạn chế.

Để phòng ngừa cháy, nổ có thể xảy ra từ việc đốt cỏ, rác, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) khuyến cáo, các cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những nguy cơ gây cháy; tích cực tuyên truyền, nhắc nhở mọi người xung quanh thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa cháy như phát quang cỏ dại xung quanh trụ sở, nhà ở, đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế cần tăng cường tuyên truyền cho công nhân, người lao động nêu cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ. Tổ chức phát, dọn sạch cỏ dại xung quanh nơi sản xuất, trụ sở công ty để đề phòng cháy lan khi có ngọn lửa bùng phát.

Công nhân Công ty TNHH Cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa – Đắk Lắk kiểm tra, chăm sóc rừng trồng. Ảnh: Minh Thông

Các khu vực rừng, vườn cây cần được các chủ rừng, chủ vườn thu dọn sạch các loại cỏ, lá rụng ở trong và xung quanh rừng, vườn cây, đảm bảo khoảng cách an toàn với cây rừng, cây trồng và đường lưu thông cách xa các tàn lửa do người dân hút thuốc ném xuống gây cháy hoặc cháy lan từ các vườn bên cạnh. Những hộ dân ở liền kề khu vực rừng cần nâng cao ý thức PCCC, nhất là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.. Không ném bừa, ném ẩu tàn thuốc, đầu lọc thuốc lá còn cháy trong khu vực có cỏ, rác khô…

Khi thực dọn dẹp nơi làm việc, nhà ở có đốt rác, đốt cỏ phải thực hiện các biện pháp sau: đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác thải bừa bãi; rác thải là nguồn nhiệt có nguy cơ phát sinh cháy như than tổ ong, than hoa, tro vàng mã còn tàn lửa… cần được tưới nước để không còn nguồn nhiệt có thể gây cháy tại nơi tập kết rác. Khi đốt cỏ, nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì, để làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. Tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, buôn, lực lượng PCCC rừng. Khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa...

Không tự ý đốt cỏ, đốt rác kể cả trong khuôn viên của gia đình; trường hợp đặc biệt khi cần đốt cỏ, đốt rác phải bố trí ở không gian trống trải, thông thoáng trong điều kiện không có gió, có biện pháp đề phòng cháy lan; cử người trông coi ngọn lửa và chuẩn bị phương tiện chữa cháy đi kèm (bình chữa cháy, xô nước…) trong suốt quá trình cháy, dập tàn tro khi kết thúc.

Khi phát hiện ra hành vi đốt cỏ, đốt rác tự phát cần báo ngay cho chính quyền địa phương gần nhất; kịp thời báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114 nếu đám cháy có nguy cơ gây cháy lớn, cháy lan ảnh hưởng đến cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình.

Thảo Phạm

(Trung tâm Chỉ huy Phòng cháy chữa cháy – Công an tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.