Gặp “nữ hoàng ẩm thực” đất Hà thành
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, thường được gọi ngắn gọn là nghệ nhân Ánh Tuyết, là một nghệ nhân ẩm thực tên tuổi của thủ đô Hà Nội, người nổi tiếng với các món ăn đặc sắc Việt Nam, với những bữa tiệc chiêu đãi thịnh soạn những nhân vật quan trọng, trong đó có cả những nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới.
Chúng tôi được gặp bà Phạm Thị Ánh Tuyết vào một ngày xuân trước Tết Nguyên đán. Đó là một phụ nữ tuy tuổi tác đã cao nhưng vẫn phong độ, lịch thiệp và có phần đài các kinh kỳ.
Trong nhà hàng của bà ở phố cổ Hà Nội, vừa pha trà mời khách, bà vừa kể chuyện: “Bố tôi ngày xưa làm Chánh tổng, tức là cũng có điều kiện, gia phong, nền nếp lại nghiêm khắc nên tôi được học nữ công gia chánh từ rất sớm. Năm lên 8 tuổi, những lúc rảnh rỗi, tôi đã vào bếp học cách nhặt rau, vo gạo, gọt hoa quả… Năm 9 tuổi tôi đã được học cách nêm nếm gia vị, nấu nướng một vài món ăn và bày biện mâm cỗ. Được rèn luyện sớm, cũng có năng khiếu, lại chịu khó quan sát, học hỏi nên tôi tiến bộ nhanh và có được sự nghiệp như hôm nay. Nhưng để thành công mọi việc cũng không hề đơn giản”.
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết. |
Lớn lên bà học ngành công nghiệp thực phẩm, sau khi ra trường bà làm dịch vụ ăn uống nhưng vẫn chưa thành danh vì chưa có cơ hội thể hiện tài nghệ của mình. Năm 1990, tại một hội chợ ẩm thực lần đầu được tổ chức tại khách sạn Horizon (Hà Nội) với sự tham gia của nhiều đầu bếp là bếp trưởng của các khách sạn cao cấp, bà Tuyết cũng là một thí sinh dự thi và đã đoạt giải Nhất với món gà nướng tẩm mật ong, vượt qua nhiều cao thủ trong nghệ thuật ẩm thực thủ đô. Và bước ngoặt đời bà đã bắt đầu mở ra…
Danh tiếng của bà được nhiều người biết đến. Và bà được mời làm đầu bếp cho những bữa tiệc chiêu đãi nguyên thủy quốc gia. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016. Bà Ánh Tuyết nhớ lại: “Đây là sự kiện rất quan trọng trong quan hệ hai nước Việt – Mỹ. Một hôm, có cán bộ Trung ương đến đề nghị tôi nấu một bữa cơm Việt Nam để chiêu đãi tổng thống Mỹ. Họ còn dặn tôi giữ kín chuyện này. Tôi suy nghĩ và lên thực đơn chuẩn bị tiếp một vị khách quá đặc biệt. Đến gần ngày mời cơm thì các cán bộ nói trên quay lại, họ nói thay đổi phương án mời khách, nguyên nhân là vì phố cổ khá chật hẹp, khách đi lại không thuận tiện lắm, phải thay đổi địa chỉ mời khách vì lý do an ninh. Thế là mới có câu chuyện tổng thống Mỹ ăn bún chả Hà Nội tại quán Hương Liên ở phố Lê Văn Hưu”.
Tiếp đó, năm 2017, nghệ nhân Ánh Tuyết còn vinh dự được giao nhiệm vụ chỉ đạo nấu nướng chiêu đãi 21 nguyên thủ quốc gia trong sự kiện APEC tại TP. Đà Nẵng. Bà đã loại ra những món ăn sang trọng để chọn thực đơn gồm 12 món ăn mà bà cho là thích hợp với khẩu vị của khách, trong đó có các món Việt Nam như: nem cua bể, nem cuốn rươi, nộm hoa chuối, cá vược hấp gia vị, vịt quay da giòn và chè khoai tím. Những món ăn do bà đạo diễn đã làm hài lòng 21 vị nguyên thủ quốc gia đến từ 21 nền văn hóa ẩm thực khác nhau.
Với những thành tích nổi bật như thế, bà Phạm Thị Ánh Tuyết đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và cũng là nghệ nhân ẩm thực duy nhất có được danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, một trong 10 người được tặng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” năm 2018.
… Hôm đó chúng tôi được bà mời ăn bữa cơm chiều do chính tay bà chuẩn bị. Bữa ăn kiểu gia đình giản dị gồm thịt kho tàu, gà luộc chấm muối, canh chua và tráng miệng bằng chè hoa cau mà chúng tôi ai cũng ăn ngon miệng và trầm trồ... Quả không hổ danh nghệ nhân ẩm thực xứ Hà thành.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc