Multimedia Đọc Báo in

Nâng "chất" công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

08:20, 27/02/2024

Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân, những năm qua ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) vào hoạt động quản lý, khám chữa bệnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tăng cường chuyển đổi số

Thực hiện chương trình CĐS, từ năm 2022 đến nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong khám chữa bệnh. Đây được xem là một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính và CĐS.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (thứ hai từ phải sang) hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Kết, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Ana cho biết, Trung tâm hiện đã lắp đặt và sử dụng 13 đầu đọc CCCD, trong đó có 8/8 trạm y tế đã được lắp đặt, bệnh nhân khi đến khám chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip mà không cần dùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm tăng số người dân sử dụng CCCD gắn chip để thay BHYT trong khám chữa bệnh, các cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên thông tin cho người bệnh hiểu rõ tiện ích của việc sử dụng CCCD gắn chip thay thế BHYT và các giấy tờ khác.

Không riêng huyện Krông Ana, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip. Trước đây khi đi khám chữa bệnh, người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Với việc triển khai, sử dụng CCCD gắn chip, bệnh nhân đều phấn khởi vì thủ tục khám chữa bệnh được rút gọn. “Từ khi áp dụng dùng thẻ CCCD vào khám chữa bệnh BHYT, cả người dân và nhân viên y tế đã tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều thủ tục rườm rà. Nhờ đó, đảm bảo được tính nhanh chóng, thuận tiện, chất lượng khám chữa bệnh cũng được nâng cao”, chị Nguyễn Thị Cường (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) đánh giá.

Song song với việc sử dụng CCCD có gắn chip để đăng ký khám bệnh, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là một trong những hoạt động đang được các cơ sở y tế quan tâm đẩy mạnh, mang đến nhiều tiện ích cho người dân và thuận tiện trong quản lý tài chính của cơ sở y tế. Để tạo thuận lợi cho người dân, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng thiết lập tài khoản và mã QR hỗ trợ người dân thanh toán viện phí qua tài khoản ngân hàng. Trong quản lý, khám chữa bệnh, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động xây dựng và hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, hình thành các bệnh viện thông minh. Qua đó đảm bảo hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai CĐS, ứng dụng công nghệ số trong quản trị và hoạt động nghiệp vụ về y tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Thành cho biết, thời gian qua, Sở Y tế đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện cải cách hành chính, CĐS trong lĩnh vực y tế đến toàn ngành, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy thực hiện CĐS, phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia. Sở cũng đã đăng ký triển khai mô hình điểm về đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” với mô hình Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VNeID. Đến nay toàn tỉnh đã có 225/225 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip; phần mềm khám chữa bệnh, hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở khám chữa bệnh được nâng cấp cơ bản đáp ứng nhiệm vụ. Trong đó, lũy tích lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip đến nay là gần 1.700.000 lượt, thực hiện thành công trên 870.000 lượt.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khám chữa bệnh đã được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai.

Toàn tỉnh hiện có 21 đơn vị đã được trang bị hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa (telehealth); có 2.208 cơ sở dược được cấp tài khoản kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Đến nay, 100% đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh có kết nối cáp quang đảm bảo đạt dung lượng đường truyền tốc độ cao. Các cơ sở y tế đã và đang triển khai một số mô hình khám chữa bệnh ứng dụng kỹ thuật cao như: bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh...

“Để hoàn thành tốt công tác cải cách hành chính, trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng chậm hoặc quá hạn giải quyết hồ sơ; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh.

Nguyên Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.