Nhớ tranh Tết xưa…
Dăm chục năm về trước, ở làng quê, phố thị đều có chợ tranh Tết mỗi khi Tết đến, xuân về. Tiếng là chợ tranh Tết nhưng thực ra chỉ là một góc của chợ quê.
Chợ tranh Tết đúng nghĩa nghe nói chỉ có ở nơi sản sinh ra dòng tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng. Nhưng chợ tranh Tết ở làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) từ lâu cũng không còn tồn tại nữa.
Tuy chỉ là một góc của chợ quê nhưng không khí chợ tranh ngày Tết năm nào cũng tấp nập, vui như trẩy hội. Tranh bày bán trên chiếu trải dưới nền đất. Tranh treo đầy trên vách lều chợ. Đủ mọi sắc màu, rực rỡ. Hai dòng tranh dân gian nổi tiếng không bao giờ vắng mặt trong các phiên chợ Tết ngày ấy là tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống.
Du khách hào hứng tham gia chương trình trải nghiệm in tranh dân gian bằng mộc bản tại Bảo tàng Đắk Lắk dip Xuân Giáp Thìn 2024. |
Tranh Đông Hồ có các bức như: Đám cưới chuột, Hứng dừa, Lợn đàn, Gia đình gà, Vinh quy bái tổ, Vinh hoa phú quý… Hình ảnh trong tranh thường thể hiện sự sung túc với mong muốn ấm no và hạnh phúc.
Tranh Đông Hồ với chủ đề chúc tụng ngày xuân được nhiều người ưa thích là bộ "vinh hoa - phú quý, nhân nghĩa - lễ trí". Bộ tranh này gồm bốn bức, được chia thành hai cặp trai - gái: Lễ trí (tranh bé gái ôm rùa), nhân nghĩa (bé trai ôm cóc), vinh hoa (bé trai ôm gà), phú quý (bé gái ôm vịt). Sự phân chia này theo quan niệm của người xưa, gia đình phải có nếp có tẻ thì cuộc sống mới tròn đầy.
Tranh Hàng Trống có các tranh như Tứ bình hoặc Nhị bình, Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Tố nữ, Kiều; tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông như canh, tiều, ngư, mục.
Tứ bình hoặc Nhị bình, Tố nữ, Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng) là những bức tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng, rất được ưa chuộng thời bấy giờ, hầu như nhà nào cũng có, ngoài đôi câu đối và bức đại tự "Chúc mừng năm mới".
Những năm bảy mươi của thế kỷ trước trở về sau, hầu hết tranh dân gian được sản xuất đồng loạt nhờ công nghệ in ấn đã phổ biến hơn. Không chỉ chợ tranh Tết mà các hiệu sách, cửa hàng mua bán hợp tác xã cũng bày bán tranh phục vụ Tết.
Tranh mua về, việc bài trí cũng đơn giản, thường thì tập trung ở gian chính nơi đặt bàn thờ tổ tiên và cũng là nơi tiếp khách của gia chủ. Bức đại tự có hình ảnh lãnh tụ với dòng chữ "Chúc mừng năm mới" được treo trang trọng chính giữa bên trên ban thờ. Câu đối thì dán hai bên cột nhà. Các tranh chơi như Tứ bình, Tố nữ hay Lý ngư vọng nguyệt thì dán tường hoặc treo vách. Không gian phòng khách như lột xác sau khi được khoác lên mình tấm áo mới, ấm áp, sáng rực sắc màu, sẵn sàng cùng gia chủ đón Tết, mừng xuân.
Việc treo tranh dân gian trong dịp Tết không chỉ cho vui cửa đẹp nhà mà còn như lời các cụ dạy: biết chơi, biết yêu tranh dân gian của tổ tiên tức là biết yêu con người, yêu quê hương xứ sở. Đó là ý nghĩa nhân bản của tranh Tết một thời.
Những hình ảnh này ngày nay không còn nữa, để lại sự tiếc nhớ về những nét đẹp văn hóa dân gian truyền đời của ông cha đã bị mai một: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om xòm trên vách bức tranh gà” (Tú Xương); “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm)...
Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc