Những “cánh tay nối dài” của y tế ở vùng sâu Krông Bông
Đội ngũ nhân viên y tế thôn, buôn được xem là “những cánh tay nối dài” của y tế cơ sở. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa như huyện Krông Bông, vai trò của những “cánh tay nối dài” này lại càng quan trọng…
5 năm làm nhân viên y tế buôn, chị H On Byă (36 tuổi, dân tộc Êđê, ở buôn Cư Drăm, xã Cư Drăm) luôn được người dân trong buôn quý mến bởi sự nhiệt tình, năng nổ và sự hoạt bát trong công việc.
Buôn Cư Drăm có 254 hộ, 1.181 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào Êđê. Từ khi đảm nhận nhiệm vụ nhân viên y tế của buôn, chị H On lúc nào cũng tất bật với công việc, lúc thì đi vận động bà con trong buôn giữ gìn vệ sinh môi trường, khi thì tuyên truyền hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh, rồi vận động các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng hay đưa trẻ đến địa điểm cân trẻ, theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ… Buôn Cư Drăm có 253 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; 68 trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng. Hằng tháng, ngoài việc đến từng nhà gửi thông báo cho các gia đình, vào ngày tiêm chủng chị H On lại có mặt tại Trạm Y tế xã để nắm bắt thông tin. Phát hiện trẻ chưa đến tiêm, chị phải đến tận nhà vận động cha mẹ đưa con đi tiêm đúng hạn, nhờ vậy, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của buôn luôn đạt từ 89% trở lên…
Thực hiện chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, hằng tháng chị H On trực tiếp tổ chức cân nặng cho trẻ tại Nhà Văn hóa cộng đồng buôn; trường hợp có trẻ chưa cân thì chị sắp xếp thời gian thích hợp đến tận nhà cân cho trẻ. Chị tâm sự: “Tôi luôn phải canh thời gian để đến nhà bởi thường thì ban ngày trẻ theo cha mẹ lên nương rẫy, còn ban đêm nếu đến muộn thì trẻ lại đi ngủ sẽ không cân được. Ngoài ra, buôn Cư Drăm có nhiều hộ tạm trú, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông chưa có thói quen đưa trẻ đi tiêm chủng và cân theo dõi tình trạng suy dinh dưỡng, nên tôi phải tốn nhiều thời gian giải thích, vì vậy những đợt tổ chức cân cho trẻ thường thường kéo dài trên ba ngày…”.
Chị Mai Kim Anh (38 tuổi, dân tộc Tày), nhân viên y tế buôn Khóa (xã Cư Pui) cũng luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc được giao. Không chỉ giúp Trạm Y tế xã theo dõi tình hình sức khỏe của những người mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, chị Kim Anh còn tích cực hướng dẫn người dân trong buôn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vận động những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai; tiếp cận, vận động các thai phụ thăm khám định kỳ; hay đến từng gia đình hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh…
Chị Kim Anh cũng thường xuyên phối hợp với Chi hội Phụ nữ buôn triển khai thực hiện các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, tuyên truyền và hướng dẫn cách bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Nhờ vậy, những năm qua trên địa bàn buôn Khóa không xảy ra dịch bệnh lớn, các chương trình y tế quốc gia đều thực hiện có hiệu quả.
Chị H Vil Liêng (bên trái) tư vấn chăm sóc sức khỏe tại một gia đình trong buôn. |
Còn chị H Vil Liêng (37 tuổi, dân tộc M’nông) đến nay đã có thâm niên 11 năm làm nhân viên y tế ở buôn Ngô A (Hòa Phong). Chị tâm sự: “Nhân viên y tế thôn, buôn lúc nào cũng tất bật với công việc. Bởi ngoài việc hỗ trợ trạm y tế cơ sở thực hiện các chương trình y tế quốc gia như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em, thì nhân viên y tế buôn còn làm công tác y tế dự phòng”. Để hoàn thành tốt công việc được giao, chị H Vil Liêng luôn tích cực tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn chuyên môn do Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã tổ chức. Trong công tác tuyên truyền chị thực hiện tốt phương châm “mưa dần thấm lâu” nên nhiều chỉ tiêu được giao đều hoàn thành tốt.
Công việc nhiều song hiện nay phụ cấp hằng tháng cho nhân viên y tế thôn, buôn rất thấp, chưa đến 900.000 đồng, mà chị H On nói đùa là “chỉ vừa đủ tiền xăng xe”. Chính sự tin yêu của bà con trong buôn là động lực để những nhân viên y tế thôn, buôn tiếp tục gắn bó với công việc vất vả này.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc