Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Mở rộng hệ thống an sinh

10:31, 23/02/2024

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có gần 6.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện mới, nâng tổng số người tham gia lũy kế lên 24.392 người. Với số người tham gia ngày càng gia tăng cho thấy nhận thức của người dân đã thay đổi cũng như hệ thống an sinh xã hội ngày càng được mở rộng.

Những tín hiệu khả quan

Đầu năm 2024, anh Nguyễn Duy (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng thấp nhất để bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Anh cho hay, bây giờ đang còn trẻ, còn làm việc được và có thu nhập ổn định từ ruộng vườn, cộng với phụ cấp của cán bộ thôn, buôn nên khi nghe cán bộ BHXH huyện tuyên truyền, tư vấn liền quyết định tham gia. Với số tiền đóng hằng tháng gần 300 nghìn đồng thì mỗi ngày anh chỉ cần tiết kiệm 10.000 đồng là có thể tham gia để khi về già được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí; đặc biệt là có lương hưu trang trải cuộc sống mà không phải phụ thuộc vào con cái.

Cán bộ BHXH huyện Krông Pắc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân địa phương.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lanh (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) dù đang còn khá trẻ nhưng cũng tham gia BHXH tự nguyện đã được hơn 5 năm với mức đóng trên 500 nghìn đồng/người/tháng. Trong suy nghĩ của chị, dù kinh tế gia đình ổn định nhưng vợ chồng lại là lao động tự do nên không biết trước được khi về già sẽ như thế nào. Do đó, khi cuộc sống còn đang khá giả thì nên chuẩn bị “điểm tựa” cho mình sau này.

Có thể nói, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người lao động khu vực phi chính thức được tham gia vào mạng lưới an sinh để khi hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí nhằm đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe. Nếu như năm 2009 toàn tỉnh chỉ có 255 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến hết năm 2023 số người tham gia đã tăng lên trên 24.000 người.

Từ những kết quả trên có thể thấy, với sự quan tâm, chủ động vào cuộc, tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH đã góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống. Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn, với việc đổi mới, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, phổ biến theo hướng gần gũi, dễ nhớ đã đưa các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, người lao động trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện; giúp người dân, người lao động nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.

Tháo gỡ rào cản để bảo hiểm xã hội tự nguyện hấp dẫn hơn

Thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự thu hút được người dân; công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay hệ thống BHXH vẫn chưa phát triển bền vững khi thời gian gần đây số lao động, người tham gia quyết định rút và hưởng BHXH một lần gia tăng đáng kể, nhất là sau đại dịch COVID-19. Theo dự báo, thị trường lao động, việc làm trong năm 2024 chưa thể phát triển đột phá, đồng nghĩa việc giữ người lao động, nhất là lao động tự do ở lại hệ thống an sinh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Người dân huyện Cư M'gar tìm hiểu chính sách BHXH.

Do đó, để việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện ngày càng hiệu quả và ổn định, thời gian qua BHXH các địa phương đã chủ động trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngay tại cơ sở và từng cụm dân cư. Trong đó, chú trọng đến nhóm đối tượng là những người dân có mức thu nhập ổn định, các gia đình có thu nhập từ sản xuất, kinh doanh, kinh tế trang trại, chăn nuôi… Mặt khác, chủ động trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các đại lý thu BHXH và đặc biệt là các già làng, người có uy tín, trưởng buôn tại mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, cơ quan chức năng cũng đã và đang khắc phục dần những bất cập từ hệ thống chính sách để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang nỗ lực tháo gỡ một số rào cản để loại hình BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn bằng việc thêm khoản trợ cấp thai sản, giảm thời gian đóng của người lao động, tăng khoản hỗ trợ từ ngân sách.

Thực tế hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ tham gia từ ngân sách nhà nước được thực hiện từ năm 2018 theo quy định của Luật BHXH 2014, mới chỉ có số ít tỉnh, thành phố tự cân đối kinh phí từ ngân sách, đồng thời huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện như Hà Nội, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Sơn La, Trà Vinh...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.