Multimedia Đọc Báo in

Sâu đậm ân tình xứ sở...

09:03, 02/02/2024

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức chương trình "Xuân Quê hương", gặp gỡ kiều bào về đón Tết cổ truyền 2024 của dân tộc.

Trong không khí ấm áp, chân tình, hơn 100 kiều bào, thân nhân kiều bào vượt quãng đường dài về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” để cùng đón Tết bên gia đình có dịp thổ lộ, trải lòng mình trong ngày đoàn tụ trên quê hương.

Định cư ở Mỹ 27 năm, vợ chồng anh Cao Minh Quốc và chị Lê Thị Thanh Nga (TP. Buôn Ma Thuột) về quê hương đón Tết được ba lần, lần gần đây nhất là năm 2019. Đối với vợ chồng anh, 5 năm là một quãng thời gian quá dài, đủ để cảm nhận nỗi nhớ quay quắt quê nhà. Chính vì thế, năm nay anh chị quyết định sắp xếp công việc, về quê tận hưởng âm vị ngày Tết thiêng liêng, những giây phút gia đình đoàn viên, quây quần bên nhau mà nơi xa xứ chẳng bao giờ có được. “Sống xa gia đình, xa quê hương mới thấy trân quý những giây phút ở bên người thân. Về quê mới cảm nhận sâu đậm nghĩa tình anh em ruột rà, mối dây tương trợ bà con láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau", anh Quốc bộc bạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh trò chuyện thân mật với kiều bào.

Với anh Viny Nguyễn (huyện Krông Ana), đây là lần đầu tiên anh trở về quê hương sau 25 năm. Mang trong mình tâm trạng bồi hồi, xúc động trong ngày trở về, thời khắc mà anh đặt chân xuống sân bay, được chào đón trong vòng tay yêu thương của thân nhân thật đặc biệt. Nhận được lời mời tham dự chương trình “Xuân Quê hương”, anh hết sức bất ngờ trước sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của lãnh đạo tỉnh. Anh chia sẻ: “Tôi thật sự xúc động trước tình cảm nồng ấm mà mọi người dành cho mình. Trở về Mỹ, tôi sẽ kể với bạn bè, người thân, nhắn nhủ đến tất cả thông điệp mà chương trình gửi gắm: Quê hương như một người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay, chào đón những người con từ muôn phương trở về”.

Ông Đỗ Thành Tài (huyện Krông Pắc), một doanh nhân thành đạt ở Mỹ không bao giờ bỏ lỡ dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, trừ những năm bị ngăn cách bởi dịch bệnh COVID-19. Ông bộc bạch, trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, dù mang quốc tịch gì thì họ vẫn luôn tự hào về cội nguồn là con cháu Lạc Hồng, luôn hướng về Tổ quốc, đóng góp trí tuệ, công sức, đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Bản thân ông, dù có điều kiện để phát triển kinh doanh ở nước Mỹ nhưng vẫn quyết định đầu tư ở quê hương, với hơn 30 siêu xe “chuyên cơ mặt đất”, "phủ sóng" tất cả các tuyến từ Đà Nẵng đến Tây Nam Bộ, phục vụ nhu cầu giao thông đi lại của bà con.

Kiều bào chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện nay Đắk Lắk có khoảng 5.000 kiều bào đang sinh sống tại 29 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Với truyền thống, bản tính cần cù, siêng năng, chăm chỉ lao động, kiều bào luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, nhiều Việt kiều đã thành đạt nơi mình định cư, trở thành niềm tự hào của người Việt. Đặc biệt, kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, đã gửi về cho thân nhân, đầu tư hơn 140 triệu USD ở Đắk Lắk chỉ trong vòng 5 năm (2018 - 2023). Tỉnh Đắk Lắk luôn trân trọng, dành tình cảm, xem kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, định kỳ tổ chức chương trình "Xuân Quê hương", kết nối, gặp gỡ kiều bào, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dịp về quê đón Tết.

Chào đón kiều bào về quê đón Tết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh ghi nhận và đánh giá cao những tình cảm, sự nỗ lực của kiều bào, dù ở đâu và làm gì đều dành những tình cảm tốt đẹp và chân thành cho quê hương, luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Mỗi kiều bào trở thành một “Đại sứ nhân dân”, quảng bá giới thiệu, đưa Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đến bạn bè khắp năm châu, đó chính là minh chứng sinh động, biểu hiện cụ thể nhất của lòng yêu nước.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.