Multimedia Đọc Báo in

Ánh sáng từ những phím đàn của cậu bé khiếm thị

08:22, 04/03/2024

Vào mỗi buổi tối, ở căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Phan Bội Châu (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) lại vang lên những tiếng đàn piano trong trẻo và tươi sáng. Đó là tiếng đàn của cậu bé Nguyễn Vũ Duy Anh (SN 2012). Đối với Duy Anh, cuộc sống của người khiếm thị không hề tăm tối, em đã có thể tự tìm ra ánh sáng cho riêng mình qua những phím đàn.

Chị Vũ Thị Hương Giang, mẹ của Duy Anh tâm sự:  “Từ nhỏ, tôi đã đưa Duy Anh theo anh trai tới tham gia các buổi tập luyện đàn piano tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi (VHTTN) tỉnh, từ đó nhen nhóm ngọn lửa đam mê âm nhạc trong con. Được giáo viên cho thử tiếp xúc với đàn, con có cơ hội bộc lộ năng khiếu. Đối với Duy Anh, âm nhạc không chỉ là bạn, là ánh sáng mà còn giúp cuộc sống của con tràn ngập màu sắc và yêu thương”.

Em Nguyễn Vũ Duy Anh tập đàn tại nhà cùng mẹ mỗi tối.

Việc có thể chơi đàn piano một cách thuần thục với người bình thường đã không mấy dễ dàng, đối với một cậu bé chỉ có thể dùng trí nhớ và cảm nhận như Duy Anh thì điều này lại càng khó hơn. Vì không thể nhìn được nhạc phổ nên Duy Anh phải học thuộc từng câu, từng đoạn của bài và dần dần lần mò đánh sao cho đúng nốt, đúng nhịp.

Cô Nguyễn Thùy Giang (giáo viên lớp đàn piano, Nhà VHTTN tỉnh) chia sẻ: “Tuy không may mắn có được một đôi mắt sáng như các bạn khác nhưng bù lại Duy Anh có khả năng cảm âm tốt và xúc giác phát triển mạnh mẽ. Lần đầu tiên thấy Duy Anh tiếp xúc với đàn, nhìn cách em ấy rải ngón tròn trịa, tôi biết nếu cố gắng tập luyện, nhất định Duy Anh sẽ thành công”. Từ phòng học đến sân khấu biểu diễn, cô Giang luôn là người bên cạnh hỗ trợ, động viên và trở thành "đôi mắt" của Duy Anh trong suốt bảy năm qua.

Dù trải qua không ít khó khăn để có thể bước lên sân khấu lớn thể hiện tài năng của bản thân nhưng có lẽ đối với Duy Anh, những buổi tối tập luyện không ngừng nghỉ để chuẩn bị cho Liên hoan độc tấu piano - guitar tỉnh Đắk Nông lần thứ I năm 2023 đã để lại cho em nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất.

“Thời điểm tham gia cuộc thi, em mới chuyển từ trường học dành cho học sinh khuyết tật sang học tập hòa nhập cùng các bạn ở Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột). Em gặp khá nhiều áp lực vì vừa phải cố gắng theo kịp bài học trên lớp, vừa dành thời gian chuẩn bị cho cuộc thi. Có những lúc em đã bật khóc ngay trong phòng tập đàn vì nghĩ bản thân sẽ không vượt qua được thử thách này. Nhưng nhờ những lời động viên của mẹ và cô Giang, em đã giành được giải Đặc biệt trong cuộc thi, đồng thời đạt danh hiệu học sinh giỏi trong kỳ học đầu tiên tại trường mới”, Duy Anh tự hào bày tỏ.

Em Nguyễn Vũ Duy Anh (thứ hai từ trái sang) biểu diễn nhạc cụ cùng các bạn trong Đội Nghệ thuật Măng Non.

Bằng sự nỗ lực và phấn đấu, Duy Anh đã từng bước tỏa sáng, mang về cho bản thân nhiều thành tích âm nhạc như: đạt giải Á quân Cuộc thi Tìm kiếm tài năng tỉnh Đắk Lắk năm 2020 cùng với các bạn lớp khiếm thị trong nhóm nhạc Vi Nhân; Giải Thí sinh được yêu thích nhất trong Cuộc thi Tìm kiếm tài năng miền Trung năm 2021; Huy chương Vàng Festival Nhà thiếu nhi toàn quốc lần VII năm 2022 với phần thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc; Giải Triển vọng trong Cuộc thi Tìm kiếm tài năng tỉnh Đắk Lắk năm 2022… Trong tháng 3/2024, em sẽ tham gia vòng bán kết Festival Piano Talent toàn quốc 2024.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc Nhà VHTTN tỉnh cho hay: “Trong thời gian Duy Anh sinh hoạt tại Nhà VHTTN tỉnh, chúng tôi đã nhận ra những khả năng thiên bẩm trong âm nhạc của em. Để em có cơ hội phát triển hơn nữa, chúng tôi đã tạo điều kiện cho em học thêm nhiều loại nhạc cụ khác như trống, chiêng… Đồng thời, khuyến khích em tham gia vào Đội Nghệ thuật Măng Non và Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc để cùng các bạn biểu diễn tại nhiều sân khấu trên địa bàn tỉnh, nhằm tiếp thêm sức mạnh cho em thực hiện ước mơ trở thành một nhạc sĩ trong tương lai”.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.