Multimedia Đọc Báo in

“Cú hích” từ đào tạo nghề

08:40, 12/03/2024

Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được đào tạo nghề miễn phí, vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.

Sau khi lập gia đình, chị Bùi Thị Thúy Vân (dân tộc Mường) ở thôn 8 (xã Cư Êbur) theo chồng về tỉnh Nam Định sinh sống nhưng vì nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên Vân đã đưa hai con nhỏ về nương nhờ bố mẹ tại Đắk Lắk. Để nuôi hai con, Vân đi làm thuê, rồi mở quán bán cà phê - nước giải khát tại nhà. Do chỉ là “tay ngang” nên lượng khách đến quán ít, thu nhập không đủ để Vân trang trải cuộc sống và chăm lo học hành cho hai đứa con.

Chị Bùi Thị Thúy Vân có thu nhập ổn định với quán cà phê mở tại nhà sau khi học lớp dạy nghề pha chế.

Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, Vân đã đăng ký tham gia lớp dạy nghề pha chế và được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, sau ba tháng tham gia khóa học. Có kỹ năng nghề, Vân xây dựng thực đơn và tự pha chế được nhiều món mới như: trà trái cây nhiệt đới, cà phê muối, rau má đậu xanh cốt dừa, các loại nước ép…

 

Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách, trong năm 2023, TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức được 19 lớp đào tạo nghề (tăng 13 lớp so với năm 2022) cho 665 lao động nông thôn với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Số lao động tìm được việc làm phù hợp hoặc tự tạo việc làm đạt trên 91%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 56,1%.

Thực đơn phong phú, giá cả phải chăng, cô chủ nhỏ lại vui vẻ, nhiệt tình, quán cà phê của Vân ngày một thu hút đông khách đến thưởng thức, nhất là các bạn trẻ. Thu nhập từ quán cà phê trung bình mỗi ngày trên 1 triệu đồng.

Thúy Vân hào hứng chia sẻ: “Học nghề đem lại cho em nhiều lợi ích. Em và các học viên được linh hoạt chọn giờ học phù hợp để có thể vừa học vừa đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số, khi học xong, em còn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng chi phí đi lại. Có nghề trong tay, em đã làm chủ được cuộc sống và chăm lo cho hai con ăn học”.

TP. Buôn Ma Thuột hiện có trên 263.220 người trong độ tuổi lao động, chiếm 67,3% dân số, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,8%.

Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột Bùi Thị Phương Thảo cho biết, xác định công tác thông tin, tuyên truyền để lao động nông thôn tích cực đăng ký tham gia học nghề đóng vai trò quan trọng, các phòng, ban ngành, đoàn thể của thành phố đã cùng với UBND 21 xã, phường tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức; khảo sát nhu cầu học nghề của từng đối tượng; phối hợp mở lớp dạy nghề ngay tại thôn, buôn với các khung giờ linh hoạt, phù hợp với điều kiện của người học.

Học viên tham gia lớp sơ cấp nghề kỹ thuật nấu ăn mở tại buôn H'Wiê (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Các nghề được đào tạo đều gắn với thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp như: kỹ thuật nấu ăn, may dân dụng, nghiệp vụ bếp Á - Âu, kỹ thuật pha chế đồ uống, trang điểm thẩm mỹ, điện dân dụng…

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã chủ động hợp tác đào tạo, đặt hàng tuyển dụng, góp phần giải quyết bài toán “đầu ra” sau học nghề. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp lao động định hướng được nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội, tự tạo được việc làm cho bản thân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.