Multimedia Đọc Báo in

Vẽ” âm thanh vào không trung

08:36, 28/03/2024

Được trao truyền những kinh nghiệm quý báu về làm diều, thả diều, những người con của vùng đồng bằng Bắc Bộ đến lập nghiệp trên vùng đất đỏ bazan phát huy thú vui dân gian này trong đời sống đương đại với mong ước gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Gắn bó với nghề làm diều gần 25 năm, ông Võ Sinh (57 tuổi, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) đã làm ra hàng trăm con diều độc đáo để đáp ứng cho nhiều người đam mê diều sáo trong và ngoài tỉnh. Ông Sinh cho hay: Diều có nhiều loại, thường được gọi tên theo hình dáng như diều cánh phản, diều cánh muỗm, diều cánh chanh… Cuộc sống đổi thay, kỹ thuật làm diều cũng được cải tiến theo hướng nhanh hơn, cho sản phẩm bền chắc hơn. Ví như cánh diều dán bằng giấy nhanh rách nay được thay bằng vải bạt; dây diều làm từ dây đay được thay bằng dây nylon. Đáng kể là bộ khung diều hồi xưa kết bằng những thanh tre nguyên đoạn dài, sử dụng 2 - 3 năm là hỏng, nay được thay bằng khung thép carbon dài từ 2 - 5  m, bề ngang 1 - 3 m và gắn với nhau bằng các khớp nối có thể gấp gọn lại, vừa tiện vừa bền, có thể dùng được 10 năm”. Vật liệu này được ông Sinh đặt mua trên mạng, sau đó về uốn cong hình mặt trăng, luồn cọng thép vào trong tấm vải dù để tạo cánh.

Ông Võ Sinh lắp ráp và chỉnh sửa con diều cho khách hàng.

Cánh diều như sợi dây nối liền giữa trời và đất, mang theo những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người lên bầu trời cao vút. “Diều sáo từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt đời thường và trở thành truyền thống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng giữ gìn và phát triển nghề làm diều với mong muốn quảng bá nét đẹp văn hóa này tới nhiều người hơn nữa”, ông Sinh tâm sự.

Đến Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 2010, ông Phạm Quang Quỳnh (47 tuổi, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày cùng bạn bè rong ruổi thả diều trên cánh đồng đầy gió với tiếng sáo diều trầm bổng từ trên không trung tạo ra những âm thanh mê hoặc lòng người. Trong một lần đưa con đến thả diều tại một khu đất trống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ông vô tình gặp được những người đang thả diều sáo, ký ức như ùa về khiến ông nhanh chóng kết nối, giao lưu bạn bè và tham gia vào Câu lạc bộ Diều sáo TP. Buôn Ma Thuột. Từ những kinh nghiệm được ông cha dạy từ nhỏ, ông bắt đầu nghiên cứu, học hỏi và tập trung phát triển nghề làm sáo diều.

“Sáo diều có nhiều loại khác nhau như sáo chuông, sáo đàn bò, sáo cộng hòa… Để chế tác sáo cho có được âm thanh chuẩn cần phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận trong việc đo đạc kích thước. Đặc biệt đối với đặc tính gió giật mạnh của vùng Tây Nguyên, cần phải có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Trước đây, để làm một chiếc diều sáo đơn giản mất từ 5 - 7 ngày, nhưng hiện tại việc này đã dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc và ứng dụng điều chỉnh âm thanh trên điện thoại. Sáo đạt chất lượng là có tiếng trong trẻo, độ ngân vang xa, nếu tiếng trầm đục sẽ không hay”, ông Quỳnh chia sẻ.

Ông Phạm Quang Quỳnh đo đạc tỉ mỉ vật liệu trước khi tiến hành làm phần miệng sáo.

Theo ông Quỳnh, sáo diều khác so với những loại sáo thổi thông thường ở điểm âm thanh được sinh ra từ miệng sáo (hay còn gọi là bửng, nắp). Chúng sẽ được làm từ gỗ, giấy hoặc xốp. Với những sản phẩm của mình, ông thường sử dụng vật liệu giấy để làm, muốn đạt được độ cứng, giấy sẽ được đắp lên một cái khuôn bằng đất sét sau đó đổ keo dán 502 vào. Khi thả diều, gió sẽ thổi vào trong miệng sáo và va vào trong thành ống tạo ra âm thanh.

Sáo diều thường được làm bằng tre già. Mặt sáo làm từ gỗ vàng tâm, gỗ dổi hoặc gỗ mít vừa nhẹ, mềm, dễ làm mà các thớ gỗ lại không bị sứt nẻ, co ngót. Khi lên cao, sáo diều ngân nga những âm thanh du dương, trầm bổng, tùy theo sự kết hợp của từng cặp sáo... Đó là sự kết tinh của đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn của nghệ nhân chế tác sáo.

Mặc dòng người hối hả ngược xuôi, mặc cuộc sống ngày càng phát triển với những thú chơi hiện đại mới, những người đam mê sáo diều tại TP. Buôn Ma Thuột vẫn miệt mài với thú chơi dân gian, sáng tạo thanh âm trên bầu trời lộng gió. Không chỉ để tìm về những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, tạo cho mình một khoảng không gian yên ả, thảnh thơi mà họ còn đang giữ gìn một nét đẹp văn hóa dân tộc bằng tình yêu và niềm tự hào cháy bỏng.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.