Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan với bệnh viêm đường tiết niệu

08:25, 28/03/2024

Viêm đường tiết niệu xảy ra khi trong nước tiểu có sự xâm nhập của vi khuẩn, làm cho một số cơ quan trong hệ tiết niệu bị viêm nhiễm. Bệnh xảy ra ở cả nam và nữ, trong tất cả các độ tuổi nhưng nữ giới mắc nhiều hơn nam giới. Bệnh lý này thường gặp và có thể phát sinh biến chứng nếu không điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại thận - tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: Có đến 90% trường hợp gây bệnh viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn Escherichia coli gây ra. Một số vi khuẩn khác gây bệnh là Klebsiella, Proteus, Staphylococcus Saprophyticus. Đây phần lớn là các vi khuẩn đường ruột, thường ký sinh ở ruột già. Ngoài ra, còn có thể mắc bệnh do nấm và một số yếu tố khác khiến đường tiết niệu dễ bị viêm nhiễm, như: các bệnh sỏi đường tiết niệu, ứ trệ nước tiểu do u, phì đại tuyến tiền liệt, già yếu, suy kiệt, phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, quan hệ tình dục với người bị bệnh; mắc các bệnh như đái tháo đường, dị dạng thận, niệu quản, suy giảm miễn dịch...

Trung bình mỗi ngày Khoa Ngoại thận – tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 30 trường hợp bị viêm đường tiết niệu. Đa phần những trường hợp này mắc bệnh dai dẳng, liên tục và tái lại nhiều lần. Lý do là nhiều người khi có triệu chứng của bệnh tiết niệu nhưng không đi khám mà tự ý mua thuốc về uống, thấy hết triệu chứng viêm thì bỏ dở điều trị dẫn đến bị kháng kháng sinh, thậm chí có bệnh nhân bị đa kháng thuốc. Khi bệnh nhân bị đa kháng thuốc thì rất khó điều trị bởi bệnh sẽ biến chứng đến giai đoạn thận ứ mủ, có khả năng nhiễm trùng máu… và có nguy cơ tử vong.

Một bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trọng

Triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu gồm: tiểu đau, tiểu gắt, buốt, tiểu lắt nhắt, cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang dù mới đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi nồng, lẫn máu hoặc mủ…

Trong giai đoạn cấp, bệnh lý này gây sốt cao, mệt mỏi, tiểu buốt, nước tiểu có máu và mủ. Nếu người bệnh chủ quan, không điều trị sớm hoặc tự ý điều trị, tình trạng viêm đường tiết niệu kéo dài dai dẳng và trở nên trầm trọng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, như: viêm thận, bể thận cấp; áp xe quanh thận; nhiễm trùng huyết; suy thận cấp; phụ nữ có thai có thể đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh…

Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vi khuẩn có thể lây lan lên vòi trứng, buồng trứng gây viêm nhiễm, tắc vòi trứng, cản trở quá trình thụ thai, dẫn tới vô sinh; ở nam giới, viêm đường tiết niệu kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan ngược dòng làm viêm các cơ quan khác trong hệ thống sinh dục như viêm mào tinh hoàn. Trường hợp viêm tiết niệu mạn tính sẽ khiến đường tiết niệu bị hẹp, việc xuất tinh khó khăn, lâu dần làm rối loạn chức năng sinh lý ở nam giới...

Viêm đường tiết niệu là căn bệnh rất phổ biến nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng, một vài thay đổi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh như: uống nhiều nước (2 - 3 lít nước mỗi ngày); đi tiểu thường xuyên, tuyệt đối không nhịn tiểu; tránh dùng bia, rượu hay thức uống chứa nhiều caffeine vì có khả năng kích thích bàng quang; giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ; tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế tắm bồn; vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục...

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đi khám xác định bệnh, trên cơ sở đó điều trị càng sớm càng tốt để bệnh không trở thành mạn tính hoặc gây biến chứng. Cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên chủ quan xem thường hoặc ngại không uống thuốc, uống thuốc không đủ liều hay tự mua thuốc điều trị.

Trần Mỹ


Ý kiến bạn đọc