Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng trên 2.000 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số

16:06, 29/03/2024

Sáng 29/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I, phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2024; sơ kết cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số” từ năm 2020 – 2023.

Quý I/2024, các cấp Hội tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ trên cơ sở bám sát Nghị quyết và chỉ đạo của cấp ủy đảng địa phương và định hướng hoạt động của Hội cấp trên. Hội tổ chức các hoạt động an sinh xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn gắn với thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với tổng kinh phí trên 780 triệu đồng; vận động trao tặng gần 2.500 suất quà với tổng giá trị hơn 2,3 tỷ đồng cho các gia đình hội viên ốm đau hoạn nạn, phụ nữ và trẻ em nghèo.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hương đánh giá kết quả hoạt động Hội quý I-2024.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hương đánh giá kết quả hoạt động Hội quý I/2024.

Tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội đã phát động, triển khai Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” tỉnh Đắk Lắk năm 2024; trao trên 3,4 tỷ đồng vốn khởi nghiệp cho 288 chị em; phối hợp tổ chức 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, dạy nghề chế biến món ăn, học may cho 962 chị; kết nối giới thiệu việc làm cho 185 hội viên phụ nữ với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Trong quý, Hội phát triển 457 hội viên mới, kết nạp 76 hội viên danh dự; giới thiệu 49 hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

Trong quý II/2024, các cấp Hội tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm về đổi mới hoạt động Hội, hoạt động hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ...

Qua 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số”, giai đoạn 2020 - 2023, các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng được trên 2.000 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, may mặc với hơn 4.500 thành viên; điều tiết các nguồn của Hội, vận động từ hội viên, phụ nữ và chủ động đề xuất với chính quyền các cấp hỗ trợ các mô hình về nguồn lực, cây, con giống các loại, tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Việc thành lập, nhân rộng các mô hình đã từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ bỏ tập quán lạc hậu, biết cách thức làm ăn, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết quản lý chi tiêu kinh tế gia đình, sử dụng đồng tiền có hiệu quả, tích lũy để tái đầu tư sản xuất; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Đại diện Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc.
Đại diện Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể xuất sắc.

Dịp này, Hội LHPN tỉnh đã tặng Bằng khen 16 tập thể và 7 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số”, giai đoạn 2020 – 2023; tặng Bằng khen 1 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia “Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Vân Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.