Nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số
Sau 3 năm triển khai, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Bám sát nhu cầu của hội viên
Chi hội buôn Tơng Sing (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) quản lý 6 tổ hội, với 253 hội viên, trong đó hội viên người DTTS chiếm hơn 80%. Thực hiện chỉ đạo của Hội cấp trên về triển khai cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS”, Chi hội đã khảo sát và thành lập mô hình điểm “Chăn nuôi dê sinh sản cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS” với sự tham gia của 10 thành viên.
Mô hình kinh tế tổng hợp của hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. |
Để giúp các thành viên có kiến thức và nguồn lực để phát triển kinh tế, Chi hội đã phối hợp mở lớp tập huấn kiến thức sản xuất cà phê bền vững và kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái trồng xen cà phê tại địa phương; hỗ trợ chị em vay vốn khởi nghiệp, vay vốn xoay vòng lãi suất thấp để đầu tư.
Nhờ sự giúp đỡ của các cấp Hội, cộng với sự nỗ lực của bản thân các thành viên, mô hình điểm tại buôn Tơng Sinh đã phát triển và duy trì ổn định, đem lại thu nhập cho các gia đình. Chị H Mari Niê, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tơng Sinh chia sẻ: “Nhờ tham gia mô hình, các hộ phụ nữ DTTS đã có sự thay đổi tích cực về tư duy, biết tự tìm tòi, học hỏi, áp dụng kiến thức mới để đem lại hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi, tăng thêm thu nhập bình quân từ 20 - 30 triệu đồng/năm cho gia đình. Từ hiệu quả thiết thực ấy, mô hình đã thu hút thêm 60 hộ tham gia, cùng đầu tư chăn nuôi dê sinh sản và cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái để tạo việc làm, thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình”.
Xuất phát từ thực tiễn trên địa bàn thị xã Buôn Hồ có số hội viên dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 30%, hội viên có đạo chiếm 49%, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã đã xây dựng kế hoạch chuyên đề thực hiện cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của gia đình phụ nữ DTTS tại chỗ, có đạo” và triển khai đến các cơ sở Hội. Đồng thời chọn xã Cư Bao để xây dựng mô hình điểm “Hộ gia đình phụ nữ DTTS, có đạo trồng cây xen canh” với 6 thành viên. Hội đã tặng các thành viên 175 cây sầu riêng, 25 cây mít Thái và mời chuyên gia hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây ăn trái.
Cùng với việc thành lập mô hình điểm, Hội LHPN thị xã đã chỉ đạo 100% cơ sở tiến hành khảo sát nhu cầu của hội viên để xây dựng mô hình điểm phù hợp với thực tiễn địa phương. Qua triển khai thực hiện, toàn thị xã đã xây dựng, nhân rộng được 42 mô hình “Hộ gia đình phụ nữ DTTS tại chỗ, có đạo phát triển kinh tế” với 277 thành viên (trong đó có 35 mô hình “Phụ nữ DTTS phát triển kinh tế trồng xen canh cây ăn trái“, 2 mô hình cải tạo cà phê và 5 mô hình lĩnh vực khác như nuôi heo rừng, nuôi gà, nghề truyền thống...).
Xây dựng mô hình phù hợp thực tế
Dự án 8 được triển khai tại Đắk Lắk trong bối cảnh thực tế địa phương còn nhiều hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và còn nhiều vấn đề xã hội cấp thiết liên quan trực tiếp đến đời sống của phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS. Đi qua giai đoạn "vạn sự khởi đầu nan", với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp Hội, việc triển khai dự án đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Tổ tư vấn cộng đồng phường Đạt Hiếu (thị xã Buôn Hồ) tư vấn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho hội viên phụ nữ buôn Klia. |
Triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 mang đến nhiều cơ hội để thay đổi toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ đồng bào DTTS, bảo vệ và chăm sóc trẻ em ngày càng tốt hơn”. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tô Thị Tâm
|
Từ năm 2020 - 2023, các cấp Hội toàn tỉnh đã thành lập được 2.061 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, may mặc với hơn 4.500 thành viên; điều tiết các nguồn của Hội, vận động từ hội viên, phụ nữ và chủ động đề xuất với chính quyền các cấp hỗ trợ các mô hình về nguồn lực, cây, con giống các loại, tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Từ việc tham gia các mô hình “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” đã giúp nhiều hộ DTTS khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, mạnh dạn học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và khả năng của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất, chủ động vươn lên tạo ra của cải, thu nhập bằng chính nội lực của mình.
Trong thời gian tới, Tỉnh Hội tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội hoàn thành các chỉ tiêu của cuộc vận động. Trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng được các mô hình mới phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương và nhu cầu của gia đình phụ nữ DTTS.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc