Multimedia Đọc Báo in

Thú vị các lớp học trải nghiệm

07:29, 17/04/2024

Dạy và học theo hướng trải nghiệm là xu thế của giáo dục hiện đại. Việc kết hợp giữa học tập và rèn luyện kỹ năng sống giúp học sinh thêm hứng thú, chủ động tiếp cận kiến thức.

Trong tháng 3 vừa qua, hơn 400 học sinh của Trường THCS Tháng 10 (huyện Krông Pắc) đã có tiết học tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương đầy thú vị với chủ đề tìm hiểu chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Tiết học diễn ra ngay trong khuôn viên trường, thông qua các hình ảnh, thước phim tài liệu, các em hiểu rõ hơn về nghệ thuật nghi binh độc đáo trong trận đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên. Không khí tiết học thêm sôi nổi khi các em được tham gia hoạt động trải nghiệm "đi không dấu, nấu không khói", làm cơm nắm do Lữ đoàn Đặc công 198 (huyện Krông Pắc) hướng dẫn.

Em Phan Trần Tuyết Linh, học sinh lớp 6C thích thú chia sẻ: "Việc tự tay làm cơm nắm, dùng cành cây để xóa dấu vết trên cát đã giúp em phần nào hiểu những khó khăn, vất vả cũng như sự mưu trí anh dũng của các chú bộ đội khi hành quân. Từ đó em thêm khâm phục ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong chiến dịch".

Học sinh Trường THCS Tháng 10 (huyện Krông Pắc) tìm hiểu trận đánh Buôn Ma Thuột qua các bức ảnh.

Tương tự, các em học sinh của Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) rất hào hứng với hoạt động trải nghiệm.

Trong buổi tham quan Bảo tàng Đắk Lắk, các em được tìm hiểu lịch sử Việt Nam và thế giới qua mô hình sa bàn sống động, dễ hiểu, đồng thời được củng cố lại kiến thức lịch sử đã học thông qua việc trả lời các câu hỏi về lịch sử, văn hóa... trong cuộc thi Rung chuông vàng do Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức.

Em Nguyễn Hữu Duy (lớp 8A) hào hứng cho biết, đây chính là cơ hội để em bổ sung kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương cho bản thân. Từ đó, em thêm yêu quê hương và mong muốn góp công sức bé nhỏ của mình cho việc xây dựng đất nước.

Trong buổi tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Lạc Giao (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), các em tích cực làm việc nhóm để tìm hiểu, thu thập thông tin liên quan đến di tích.

Em Nguyễn Huy Kha (lớp 6B) cho hay: Để hoàn thành yêu cầu dựng video giới thiệu lịch sử hình thành Đình Lạc Giao, em và các bạn trong nhóm chủ động phân chia nhau làm việc, từ việc tìm hiểu các mốc lịch sử, hình ảnh, nhân vật gắn liền với ngôi đình, hoàn thiện bài thuyết minh, cử người thuyết minh đến việc cùng nhau hoàn thiện video yêu cầu của cô giáo. Thông qua hoạt động trải nghiệm này, em đã biết cách tương tác và làm việc nhóm hiệu quả hơn.

Học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia cuộc thi Rung chuông vàng do Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Tháng 10 (huyện Krông Pắc) cho biết, trong mỗi buổi ngoại khóa, nhà trường sẽ lồng ghép nhiều môn như: công nghệ, mỹ thuật, địa lí, lịch sử...

Làm việc nhóm, chia sẻ cảm nhận là yêu cầu bắt buộc sau mỗi buổi trải nghiệm. Từ đó, giúp học sinh củng cố lại kiến thức đã học, có ý thức tự giác, chủ động với phần việc của bản thân, hình thành các kỹ năng sống.

Đồng quan điểm, cô Đỗ Thị Mai Phương, giáo viên phụ trách Đội Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, việc học tập tại không gian mở giúp các em thoải mái tương tác với nhau hơn so với không gian ở lớp học.

Từ năm học 2022 đến nay, nhà trường đã tổ chức được 14 buổi học ngoại khóa ngoài không gian lớp học cho học sinh.

Giang Nga


Ý kiến bạn đọc