Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Phát huy các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

08:20, 30/05/2024

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị và người dân các xã của huyện Cư Kuin đang chung sức xây dựng, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí NTM trong năm 2024.

Đặt mục tiêu cao

Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nguyễn Thanh Minh, Chương trình xây dựng NTM là chương trình phát triển toàn diện về xây dựng nông nghiệp – nông dân – nông thôn, được cụ thể hóa thành 19 tiêu chí NTM. Nếu như từ lúc bắt tay vào thực hiện chương trình (năm 2011), huyện Cư Kuin chỉ có 1 xã đạt được 7 tiêu chí, 3 xã đạt 6 tiêu chí, còn lại là từ 2 - 4 tiêu chí; thì đến nay toàn huyện có 144/152 tiêu chí đạt chuẩn, đạt 94,7%, bình quân đạt 18 tiêu chí/xã, trong đó có 4 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 1 xã đang lập hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn; 2 xã đạt 17 tiêu chí và 1 xã đạt 15 tiêu chí.

Theo lộ trình, đến năm 2025, 100% các xã trên địa bàn huyện sẽ đạt chuẩn NTM; tuy nhiên huyện Cư Kuin đã đặt quyết tâm rất cao, trong năm 2024, toàn huyện phấn đấu có thêm 3 xã: Ea Tiêu, Ea Bhốk và Cư Êwi đạt chuẩn NTM.

San ủi mặt bằng làm đường giao thông nông thôn tại thôn 1A (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin).

Nhận định rõ một số khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai như: nguồn lực để thực hiện chương trình còn hạn chế; việc huy động sức dân ở một số địa bàn còn khó khăn; việc bố trí quỹ đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa còn một số vướng mắc… trước thực tế đó, để đạt được chỉ tiêu xây dựng NTM trong năm 2024, ngay từ cuối năm 2023, UBND huyện đã chủ động xây dựng, ban hành Kế hoạch số 3578/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024 cũng như các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện.

Trong đó, yêu cầu các phòng, ban liên quan, UBND các xã trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; đồng thời tập trung thực hiện các tiêu chí chưa đạt, đảm bảo tiến độ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự chung tay, góp sức của người dân; huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình…

Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí

Là địa phương còn nhiều khó khăn, xã Cư Êwi chỉ mới đạt 15/19 tiêu chí, vẫn còn 4 tiêu chí phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 là: cơ sở hạ tầng và thương mại nông thôn (tiêu chí số 7); giao thông (tiêu chí số 2); cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6); thu nhập (tiêu chí số 10). Đây đều là những tiêu chí cần có sự đầu tư lớn về kinh phí cũng như sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, nhân dân trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND xã Cư Êwi Nguyễn Quốc Viện cho biết: Bên cạnh việc duy trì 15 tiêu chí đã đạt, xã tập trung phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng tiêu chí chưa đạt như: đề nghị các cấp bố trí kinh phí và vận động nhân dân đóng góp, hiến đất, huy động ngày công lao động để làm đường giao thông liên thôn, buôn; nâng cấp, sửa chữa đường nội đồng; xây dựng nhà văn hóa; bố trí quỹ đất và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ…

Người dân thôn 1A (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn.

Mặt khác, xã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm…

Bà Phạm Hoài Linh, Trưởng thôn 1A (xã Cư Êwi) chia sẻ: Là trưởng thôn, cũng là người dân được hưởng lợi từ chương trình xây dựng NTM, bà đã tích cực vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn. Trong năm 2023, được sự hỗ trợ xi măng của xã, người dân trong thôn đã đóng góp mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng (riêng gia đình bà đóng góp 21 triệu đồng) làm đoạn đường bê tông với chiều dài 600 m. "Ngoài ra, tại một số trục đường khác chưa được đổ bê tông, người dân cũng đóng góp trên 60 triệu đồng để đổ đá cấp phối. Bà con rất đồng thuận, tích cực ủng hộ. Sau khi hoàn thiện con đường, việc đi lại, lưu thông được dễ dàng hơn, ai cũng phấn khởi…”, bà Linh cho hay.

Không chỉ xã Cư Êwi, mà các xã như Ea Tiêu, Ea Bhốk, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng NTM cũng được thể hiện rõ. Được biết, UBND huyện đã trình UBND tỉnh phương án bồi thường và phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành có liên quan thu hồi đất để xây dựng nhà văn hóa xã Ea Tiêu; phân bổ nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh cũng như bố trí vốn đối ứng để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao xã Ea Tiêu với tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng. Đồng thời, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã kịp thời phân khai nguồn vốn cho xã Ea Bhốk với tổng kinh phí cho cả giai đoạn là hơn 35,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh là 25,531 tỷ đồng; ngân sách huyện: 6,718 tỷ đồng; huy động từ doanh nghiệp và người dân là 2,896 tỷ đồng…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.