Những tuyên truyền viên của buôn làng
Với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Dliê Ya B, đảng viên Y Kin M’lô (SN 1990) ở buôn Dliê Ya B, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với người dân của buôn làng.
Thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, trước đây, buôn Dliê Ya B còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, một bộ phận thanh niên lười lao động, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự…
Cùng với việc nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình để làm gương, Y Kin thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện, tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc gìn giữ bản sắc văn hóa.
Anh cũng phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng công an tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của kẻ xấu. Bên cạnh đó, anh đã "xốc" lại các hoạt động cộng đồng, duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt buôn (1 lần/tháng).
Công tác tuyên truyền cũng được lồng ghép linh hoạt trong các hoạt động cộng đồng nên hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được nâng cao. Qua đó, người dân trong buôn đã từng bước biết cách sàng lọc thông tin, đề cao cảnh giác với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Từ một buôn với các tập quán lạc hậu, buôn Dliê Ya B đã đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”, bà con trong buôn luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực chung sức xây dựng nông thôn mới.
Tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Nam (huyện Ea H'leo). |
Còn ở buôn Briêng B, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo), đảng viên Y Ngoắt Niê (SN 1982), cán bộ tham gia công tác Mặt trận buôn luôn được người dân quý mến.
Với những kiến thức được tiếp thu qua các lớp tập huấn về pháp luật, chính sách…, anh Y Ngoắt đã cùng cấp ủy, Ban công tác Mặt trận và hội, đoàn thể của buôn thường xuyên đến từng gia đình trong buôn để tuyên truyền, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Anh Y Ngoắt chia sẻ: “Với mô hình “Tiếng kẻng cộng đồng”, cứ đều đặn hai lần mỗi tháng, vào ngày Chủ nhật, khi nghe tiếng kẻng, người dân cùng tập trung về nhà cộng đồng để nghe phổ biến chính sách mới. Những văn bản pháp luật được cấp ủy, ban tự quản nghiên cứu thật kỹ để phổ biến một cách ngắn gọn, súc tích, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”.
Theo ông Hà Huy Quang, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín, lực lượng đảng viên là những tuyên truyền viên nòng cốt của buôn làng, bởi họ là những người luôn gần gũi, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Để phát huy vai trò của đội ngũ này trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Dân tộc tỉnh luôn quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng. Trong hai năm (2022 và 2023), Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp Công an tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 1.000 già làng, trưởng buôn, người có uy tín...
Trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh tập trung triển khai tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc (cấp huyện và cấp tỉnh) theo Kế hoạch số 533/UBDT-PC của Ủy ban Dân tộc.
Đây là “sân chơi” bổ ích cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, góp phần nâng cao kỹ năng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc