"Sân chơi cầu vồng" đến với trẻ vùng sâu
Được lập ra với sứ mệnh tạo ra sân chơi cộng đồng thân thiện, không rào cản cho các trẻ em khó tiếp cận những sân chơi an toàn như trẻ vùng sâu, vùng xa, trẻ yếu thế, khuyết tật…, đầu năm 2024, dự án tình nguyện "Sân chơi cầu vồng" đã có mặt ở huyện vùng sâu Krông Bông.
Dự án “Sân chơi cầu vồng” do kiến trúc sư trẻ Dương Thị Thảo (ở TP. Hồ Chí Minh) và các cộng sự thành lập vào tháng 5/2022, dưới sự bảo trợ pháp lý của Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát.
Đây là tổ chức xã hội kiến tạo không gian chơi tại Việt Nam dựa trên nguyên tắc lấy trẻ em làm trung tâm, mọi chất liệu của dự án đều đặt ưu tiên cho sự phát triển an toàn, sáng tạo của trẻ; đồng thời nhấn mạnh yếu tố tự nhiên và môi trường sống bản địa.
Nhóm thực hiện dự án thi công hạng mục sân chơi tại điểm trường thôn Ea Uôl (Trường Tiểu học Cư Pui II, xã Cư Pui, huyện Krông Bông). |
Thôn Ea Uôl (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) là một thôn người Mông, với điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Ở đây có khoảng 300 trẻ em, trong đó có hơn 100 trẻ đang học tại điểm trường thôn Ea Uôl của Trường Tiểu học Cư Pui II.
Thời gian qua, tuy được Nhà nước quan tâm xây dựng điện, đường, trường học, nhưng sân chơi cho trẻ còn rất thiếu thốn. Từng làm cán bộ xã, từng gần gũi, sâu sát với người dân nơi đây, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Bông đã kết nối nhiều dự án thiện nguyện đến với xã vùng sâu này, một trong số đó chính là dự án "Sân chơi cầu vồng".
Sau hai năm hoạt động, dự án “Sân chơi cầu vồng” đã xây dựng thành công 7 không gian chơi dành cho hơn 700 trẻ em khó khăn, yếu thế tại khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, với sự góp sức của hơn 200 tình nguyện viên và hỗ trợ nhiệt thành từ các địa phương, cộng đồng và các đối tác. |
Dự án "Sân chơi cầu vồng" được xây dựng tại điểm trường thôn Ea Uôl và khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 3/2024 với tên gọi "Rừng đá sinh".
Sân chơi được nhóm thực hiện dự án lên ý tưởng, chuẩn bị nguyên vật liệu. Riêng khâu thi công, nhóm thực hiện dự án đã nhận được sự phối hợp, chung tay của nhà trường và đông đảo người dân địa phương.
Thiết kế của sân chơi bao gồm ba hạng mục chính là: sân chơi, vẽ tường và khu vực chơi với trẻ (workshop).
Đặc biệt, hạng mục vẽ tường được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, từ núi rừng Chư Yang Sin hùng vĩ, kết hợp với tính cách của các em thiếu nhi nơi đây.
Các họa sĩ trong nhóm thực hiện dự án đã thay màu "áo" mới cho điểm trường bằng nhiều bức bích họa sinh động, đầy màu sắc.
Thông qua những bức tranh sống động ấy, nhóm thực hiện dự án đã truyền tải thông điệp yêu thương, bảo vệ động vật hoang dã và thiên nhiên đến các em nhỏ.
Các em nhỏ thích thú trải nghiệm trò chơi cầu tuột ở sân chơi "Rừng đá sinh" tại điểm trường thôn Ea Uôl (Trường Tiểu học Cư Pui II, xã Cư Pui, huyện Krông Bông). |
Thầy Trần Ngọc Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui II (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) chia sẻ, sân chơi "Rừng đá sinh" được hơn 50 tình nguyện viên, người dân thôn Ea Uôl thi công và hoàn thành trong vòng ba ngày.
Ban giám hiệu Trường Tiểu học Cư Pui II cũng sắp xếp giáo viên tham gia hỗ trợ đoàn và đưa một số thiết bị, cơ sở vật chất để cùng đoàn làm việc. Có thể nói, sân chơi đã tạo cho học sinh nơi đây một không gian phát triển trí tuệ và được hoạt động thể lực vô cùng lý thú, từ đó góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn cho các em.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc