Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh Ea Na thi đua làm kinh tế giỏi

08:12, 11/06/2024

Những năm qua, phong trào Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã Ea Na (huyện Krông Ana) ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội CCB xã Ea Na hiện có 480 hội viên, trong đó hội viên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là hơn 100 người.

Bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nhu cầu thị trường, những năm qua, Hội đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hội viên Hội Cựu chiến binh xã Ea Na tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Hợp tác xã Lúa sạch Ea Na.

Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giúp các hội viên được tiếp cận các nguồn vốn có mức lãi suất ưu đãi thông qua các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và các cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Một trong những tinh thần cốt lõi của người lính Cụ Hồ là sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đó, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của CCB địa phương ngày được nhân rộng. Hội đang khuyến khích, tạo điều kiện để các CCB thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) do CCB làm chủ, tăng sức cạnh tranh, đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội CCB xã Ea Na chia sẻ.

Cơ sở sản xuất, chế biến nông sản của hội viên CCB Vũ Như Thuần.

Điển hình trong phong trào làm kinh tế giỏi của CCB Ea Na phải kể đến ông Vũ Như Thuần ở thôn Quỳnh Ngọc. Ông Thuần năm nay 60 tuổi, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1983, ông nhập ngũ và tham gia hoạt động tại Campuchia, năm 1987 phục viên chuyển ngành làm việc tại Krông Ana và tham gia sinh hoạt tại Chi hội CCB thôn Quỳnh Ngọc. Ngoài giờ làm việc trên đơn vị, ông còn canh tác thêm 4 ha cà phê, ca cao và mở cơ sở thu mua nông sản để tăng thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, Hội CCB xã Ea Na có trên 70% số gia đình hội viên đạt thu nhập từ khá trở lên; nhiều hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập từ 150 - 600 triệu đồng/năm.

Có nhiều kinh nghiệm trong thu mua nông sản, ông Thuần đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Thành vào năm 2021. Công ty chuyên thu mua các loại nông sản như ca cao, sầu riêng, chanh dây, dứa, sau đó sơ chế ban đầu rồi đông lạnh và xuất sang thị trường Trung Quốc, Malaysia và các nước Trung Đông… Hiện nay, công ty tạo việc làm cho 50 lao động thường xuyên là người địa phương có nguồn thu nhập ổn định.

Hay như CCB Bùi Văn Đoán (thôn Quỳnh Ngọc 2) đã tiên phong thử nghiệm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với mong muốn từng bước thay đổi phương thức canh tác sản xuất, cùng liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo địa phương. Thu được kết quả tích cực, ông Đoán đã đứng ra vận động các hộ dân có diện tích lúa cùng triển khai mô hình này và thành lập Tổ hợp tác lúa sạch thôn Quỳnh Ngọc 2 vào năm 2019, đến nay đã chuyển đổi thành HTX Lúa sạch Ea Na.

Hiện nay, HTX đã có 25 thành viên chủ yếu là hội viên hội CCB trong xã tham gia, gieo trồng giống lúa ST24 và ST25 với tổng diện tích 120 ha. Hai năm trở lại đây, HTX đã liên kết hỗ trợ một phần giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm chi phí đầu tư cho các thành viên. Ông Đoán chia sẻ: “Gạo ST24 và ST25 là loại gạo ngon, cùng với sản xuất theo hướng hữu cơ nên thị trường rất ưa chuộng, lúa thu hoạch xong đều xuất bán rất nhanh, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu”.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.