Multimedia Đọc Báo in

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Krông Pắc lần thứ IV, năm 2024

14:12, 21/06/2024

Trong hai ngày 20 và 21/6, huyện Krông Pắc đã tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024 với chủ đề “Nhân dân các dân tộc huyện Krông Pắc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.

Tham dự đại hội có Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Nguyễn Kính; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện và 150 đại biểu chính thức đại diện cho 35 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Đoàn chủ tịch Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Krông Pắc lần thứ IV, năm 2024.
Đoàn chủ tịch Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Krông Pắc lần thứ IV, năm 2024.

Huyện Krông Pắc có 51.655 hộ với 195.542 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 36,49%. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội trong vùng DTTS, thực hiện đồng bộ các chính về dân tộc. Đời sống của người dân trong vùng DTTS đã khởi sắc rõ rệt, chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng cao, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2019-2024) của huyện đạt mức 9,86%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng với tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đường huyện đạt 90,19%, đường xã đạt 74%, đường nông thôn đạt 42,46%.

Đến nay 100% thôn, buôn trên địa bàn đã có điện, 99,5% số hộ toàn huyện được sử dụng điện. Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ 27 mô hình cây trồng, vật nuôi cho các hộ DTTS với kinh phí thực hiện trên 1,1 tỷ đồng; tổ chức 500 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 25.000 lượt người tham gia, trong đó có trên 11.000 lượt đồng bào DTTS…

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Nguyễn Kính phát biểu chỉ đạo đại hội.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Nguyễn Kính phát biểu chỉ đạo đại hội.

Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Bắc ở xã Ea Phê, Ea Yông, Ea Kênh… được duy trì tổ chức hằng năm. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng. Cơ bản các thôn, buôn đều có nhà văn hóa cộng đồng phục vụ hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện với 2.217 học viên DTTS được dạy nghề, 9.860 lao động DTTS được giải quyết việc làm, 363 người tham gia xuất khẩu lao động.

Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội.
Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai có hiệu quả. Trong đó, Chương trình 135 đã thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, hỗ trợ phát triển sản xuất… với tổng kinh phí 16,3 tỷ đồng. Chương trình 1719 đã triển khai hơn 173 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2023 với các hoạt động hỗ trợ thiết thực như: cấp bồn nước, hỗ trợ xây dựng nhà ở, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, cấp bò giống, xây dựng đường giao thông, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi… Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đã đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trong giai đoạn 2021 – 2025 trên 8,3 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, huyện chỉ còn khoảng 1.315 hộ nghèo là DTTS, giảm hơn 1.700 hộ nghèo so với năm 2019.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc Trần Hồng Tiến tặng hoa chúc mừng Đại hội.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc Trần Hồng Tiến tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 – 2029 với các mục tiêu: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2024 – 2029 đạt từ 7 – 8%/năm; giải quyết việc làm hằng năm cho khoảng 2.500 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ 0,5 – 1%; cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào DTTS; hằng năm tổ chức từ 1-3 lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS; nâng tỷ lệ cán bộ DTTS trong đơn vị hành chính các cấp đạt từ 30% trở lên vào năm 2029…

Các đại biểu tham gia biểu quyết các nội dung của Đại hội.
Các đại biểu tham gia biểu quyết các nội dung của Đại hội.

Phát biểu tại đại hội, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Nguyễn Kính mong muốn đồng bào các DTTS huyện Krông Pắc sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tự lực, tự cường, ra sức thi đua lao động, sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng huyện Krông Pắc thực sự trở thành tiểu vùng trung tâm của tỉnh, là đầu mối giao thông kết nối tỉnh Đắk Lắk với các vùng trọng điểm kinh tế quốc gia, là trung tâm dịch vụ logistics của vùng Tây Nguyên theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên ra mắt và nhận nhiệm vụ.
Đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên ra mắt và nhận nhiệm vụ.

Đại hội đã hiệp thương cử đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV gồm 20 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.

Các tập thể và cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Các tập thể và cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 2 cá nhân; Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen cho 1 tập thể, 3 cá nhân; UBND huyện tặng Giấy khen cho 15 tập thể, 45 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.