Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên:

Cần cơ chế, chính sách phát triển thực chất và mạnh mẽ hơn

08:27, 30/06/2024

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 bao gồm: Lấy nông, lâm nghiệp là trọng tâm; công nghiệp chế biến là động lực; du lịch là đột phá. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho chiến lược này là yêu cầu đặt ra cho các trung tâm giáo dục, đào tạo đại học trên địa bàn. 

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu

Hai trong những chỉ tiêu cụ thể tại Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2021 - 2030) đặt ra là tăng năng suất lao động xã hội bình quân ở khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 6,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%...

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt mục tiêu này là thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn vùng.

Một giờ học của học viên Trường Trung cấp Tây Nguyên. Ảnh: Vạn Tiếp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Hầu A Lềnh cho biết: Tây Nguyên hiện có 9 cơ sở, phân hiệu giáo dục đại học và 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vùng Tây Nguyên đang có số lượng sinh viên theo học đại học, cao đẳng thấp nhất nước, chỉ đạt 1,8%, đứng thứ 5 trong số 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.

Toàn khu vực có gần 1.200 giảng viên cơ hữu (trong đó có 270 tiến sĩ, 44 phó giáo sư và 1 giáo sư). Hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng Tây Nguyên đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là nhân lực các ngành khoa học kỹ thuật, giáo dục và y tế. Thực tế đó đang là một trong những rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.

Tiến tới xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao

Theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị: Đến năm 2030, hai thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ được Trung ương ưu tiên đầu tư, xây dựng để trở thành các trung tâm đào tạo chất lượng cao; mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Cuối tháng 5/2024 vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt nhằm đánh giá chất lượng, quy mô đào tạo nguồn nhân lực tại hai cơ sở giáo dục đại học lớn nhất khu vực này.

Kết quả cho thấy từ khi thành lập (năm 1977) đến nay, hai cơ sở giáo dục đại học nói trên đã đào tạo hơn 102.000 bác sĩ, cử nhân, kỹ sư thuộc các ngành nghề nông, lâm nghiệp và sư phạm… từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên.

Tổ chức Đại học Thế giới (Cộng hòa Liên bang Đức) trao học bổng cho sinh viên xuất sắc khu vực Tây Nguyên năm học 2023 - 2024.

Còn nhớ trước đó, tại Hội nghị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng Tây Nguyên được tổ chức hồi cuối tháng 9/2023 tại TP. Đà Lạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh khẳng định: Việc Bộ GD-ĐT quan tâm, đề xuất giải pháp xây dựng Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Tây Nguyên là phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ sở giáo dục đại học này sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để có cơ chế, chính sách phát triển thực chất và mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên theo hướng nhanh và bền vững.

Với Trường Đại học Đà Lạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S hy vọng đến năm 2030 trường sẽ có vị thế xứng đáng và quan trọng trong cả nước cũng như của khu vực Đông Nam Á trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên nhu cầu xã hội trước bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, hai trường đại học hàng đầu khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực cao theo hướng xác định rõ nhu cầu, bối cảnh, xu thế phát triển gắn liền với cơ hội lẫn thách thức đặt ra. Ông Sơn cho rằng, một trường đại học thành công cần đến các yếu tố: thương hiệu, năng lực quản trị, đội ngũ cán bộ, nguồn lực tài chính. Xây dựng chiến lược đào tạo cần gắn với sự phát triển của địa phương; có cơ chế chính sách đối với người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, việc thành lập trung tâm giáo dục chất lượng cao không phải là xây dựng trung tâm mới mà là phát triển các trường đại học hiện có trở thành  trung tâm đào tạo có chất lượng mang tầm khu vực và  quốc tế.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc