Multimedia Đọc Báo in

Để trẻ không mê game trong mùa hè

08:45, 30/06/2024

Tốc độ tiếp cận các trò chơi điện tử của giới trẻ hôm nay rất nhanh, nhiều đứa trẻ chỉ cần một buổi sáng có thể xâm nhập sâu vào nhóm trò chơi nào đó, dường như không dứt ra được.

Vậy làm sao cha mẹ có thể an tâm để con cái ở nhà với máy tính trong những ngày hè là cả một vấn đề được mọi người hết sức quan tâm.

Game chỉ là công cụ giải trí?

Theo các nhà tư vấn giáo dục, tâm lý xã hội lâu nay có một định kiến sai lầm là xem trò chơi điện tử như một sản phẩm công nghệ ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Tuy nhiên, thực tế phát triển công nghệ đang cho thấy điều ngược lại, chính các nền tảng trò chơi điện tử giúp phát triển nhiều lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, và tư duy làm game được xem là một tư duy tích cực.

Nhất là với giới trẻ, tuổi ham thích khám phá sáng tạo, chính môi trường trò chơi sẽ giúp tuổi trẻ học được tư duy phán đoán, tổng hợp, thói quen quan sát phát hiện và logic hóa nhiều vấn đề. Do đó, nếu người lớn nhìn nhận thế giới trò chơi là mảnh đất giúp bọn trẻ phát triển tư duy, tìm tòi những cái mới, và các trò chơi chỉ là công cụ giải trí sáng tạo, thì cách hành xử của bố mẹ khi thấy con cái chơi game sẽ khác hẳn.

Thay vì kịch liệt phản đối, bài xích, cấm ngặt bọn trẻ chơi game, các bậc cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu đúng hơn những sản phẩm và môi trường trò chơi mang lại. Nhiều phản ánh từ giới công nghệ đã đúc kết các thành tựu sáng tạo hơn của xã hội nhờ môi trường giải trí qua trò chơi. Các nước tiến bộ như Thụy Điển, Phần Lan, Singapore… đều chọn trò chơi điện tử là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển và vận động xã hội đầu tư. Do đó, cần hóa giải các quan niệm sai lệch, như phán đoán game là “ma túy số” và chơi game khiến bọn trẻ mụ mẫm, học hành kém đi.

Cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (huyện Krông Pắc) tham gia hoạt động trồng cây gây rừng. Ảnh: Đinh Nga

Từ góc cạnh này, các bậc cha mẹ khi thấy con cái chơi game vào dịp hè phải tỏ rõ thái độ: không vội vàng quy chụp vấn đề, mà hãy cùng con cái tìm hiểu, định hướng đúng nhu cầu giải trí từ môi trường game, từ đó đưa ra được kế hoạch tận hưởng mùa hè hợp lý và hài hòa cho các con.

Mấu chốt vấn đề là phải xác định trẻ nên trải nghiệm những bối cảnh cuộc sống và xã hội mới mẻ hơn ở dịp hè, thay vì những lịch trình và thời khóa biểu dày đặc trong năm học. Đặc biệt, với môi trường giải trí hợp lý qua trò chơi điện tử, trẻ sẽ tự học được thêm rất nhiều, tích cực và tiến bộ hơn nếu được khích lệ và hướng dẫn đúng đắn.

Giúp trẻ không mê game

Qua kinh nghiệm tư vấn về giải trí, một số chuyên gia đã rút ra ba điều giúp trẻ hạn chế bị ảnh hưởng tiêu cực từ các trò chơi điện tử trong mùa hè.

Thứ nhất, hợp tác tạo môi trường từ cha mẹ. Đây là yêu cầu cơ bản nhất mà các bậc phụ huynh khó làm được với những lý do đầy tính chủ quan như bận công việc, không phù hợp chơi với con…

Thực tế, nếu cha mẹ quan tâm, nhận rõ trách nhiệm đồng hành cuộc sống với con cái, những ngày hè là dịp để gia đình quây quần lại, nhiều thời gian cho nhau hơn, lựa chọn của cha mẹ sẽ khác. Dẫn con đi chơi, cùng nhau đá bóng, đạp xe, có những hoạt động dã ngoại, nhất là cùng con khám phá không gian sáng tạo từ trò chơi điện tử... đều là những lựa chọn linh hoạt mà nhiều bậc cha mẹ làm được.

Điều thuận lợi là càng ngày càng có nhiều bậc phụ huynh thế hệ trẻ, dễ chấp nhận môi trường trò chơi với con cái hơn các thế hệ trước đây, nên vấn đề này có thể giải quyết được ngay.

Thứ hai, công nghệ số giờ đây đã lan tỏa, trẻ con sử dụng điện thoại, máy tính ngày càng nhiều hơn, thì bản thân cha mẹ phải cập nhật tình hình để cùng đầu tư, xử lý với con cái. Máy tính kết nối mạng không chỉ có trò chơi, mà còn nhiều không gian học tập chủ động khác được mở ra. Do đó, nếu có thể cùng con xem một bộ phim, đọc một bộ truyện trực tuyến, tìm hiểu những vấn đề xã hội đang quan tâm, đều là cơ hội để cha mẹ trải nghiệm mùa hè lý thú cùng con mình, thay vì để trẻ cô độc tự tìm niềm vui với các trò game.

Thứ ba, đầu tư nghiêm túc vào môi trường giải trí qua trò chơi. Đây là lựa chọn quan trọng, để con cái xích gần ba mẹ hơn. Cùng con cái tìm hiểu các trò chơi, rồi ba mẹ bỏ tiền mua game bản quyền, mua những trò chơi có tính tích cực, và sắp xếp lịch chơi game hợp lý cho con cái, là phương thức tốt nhất để bọn trẻ nghe lời và không mê, không nghiện game trong mùa hè.

Việc cha mẹ đầu tư mua trò chơi cho con là điều không có nhiều người thực hiện mà không để ý rằng, lựa chọn này mang lại nhiều giá trị tâm lý cho bọn trẻ. Các con sẽ không còn phản ứng đối chọi với ba mẹ, sẽ hiểu giá trị đầu tư vào các trò chơi, thậm chí khi biết giá mua game bản quyền rất đắt, qua đó sẽ có thái độ hợp tác tốt nhất, tuân thủ những yêu cầu tích cực từ ba mẹ.

“Hãy làm bạn của con” là câu nói giáo dục được nhiều người nói ra song chưa có nhiều người sẵn sàng làm và làm được như vậy, để biến những ngày hè thành cơ hội gắn chặt tình cảm gia đình.

Để làm được điều này, các bậc phụ huynh không mất nhiều thời gian công sức, chỉ cần thực sự lắng nghe, quan tâm bọn trẻ là đủ!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.