Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng những người chăm sóc bệnh nhân tâm thần

08:35, 02/06/2024

Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, đối với những bệnh nhân tâm thần còn vất vả gấp bội.

Song, với tình yêu nghề và tấm lòng của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”, các nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần tỉnh hằng ngày vẫn nỗ lực chăm sóc, chữa lành vết thương bệnh tật cho người bệnh.

Chăm sóc người bệnh tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả, lại không kém phần nguy hiểm. Mỗi bệnh nhân một trạng thái khác nhau, có người trầm tính, ít nói, lại có người hát hò, la hét kích động, khóc cười vô cớ, có bệnh nhân hung hãn, có bệnh nhân luôn muốn dỗ dành như một đứa trẻ...

Phần lớn các bệnh nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bệnh nhân không có người nhà chăm sóc, sinh hoạt hằng ngày phụ thuộc các điều dưỡng của bệnh viện.

Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần giúp bệnh nhân cắt móng tay. Ảnh: Bảo Trọng

Hiện Bệnh viện Tâm thần tỉnh mỗi ngày tiếp nhận khám hơn 100 trường hợp và điều trị nội trú cho khoảng 100 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần; trong khi đó, bệnh viện có 38 điều dưỡng, trong đó có 31 điều dưỡng nữ, có thể thấy công việc của các điều dưỡng tại đây rất khó khăn, vất vả.

Bên cạnh việc cho các bệnh nhân uống thuốc, hằng ngày, điều dưỡng còn là người thường xuyên nhắc nhở những người bệnh dọn dẹp, vệ sinh buồng bệnh sạch sẽ, đôn đốc hoặc giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt, tắm giặt, gội đầu, gấp chăn, màn, cắt tóc, cắt móng tay; thậm chí là đút cơm cho những bệnh nhân nặng…

Những đêm trực, các điều dưỡng thay nhau đi kiểm tra từng phòng bệnh để nhắc nhở bệnh nhân đi ngủ, nhắc bệnh nhân giăng màn, đắp chăn cho bệnh nhân, bởi các bệnh nhân tâm thần bị sa sút, người già bị bệnh tâm thần thường không tự chăm sóc tốt cho bản thân.

Không chỉ chăm sóc bệnh nhân hằng ngày, mỗi điều dưỡng còn đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị và là một nhà tâm lý, cùng sẻ chia, tâm sự, trò chuyện, an ủi, động viên bệnh nhân an tâm điều trị.

Anh Huỳnh Ngọc Phong, Điều dưỡng trưởng Khoa Nam cấp (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) gắn bó với công việc chăm sóc các bệnh nhân tâm thần đã gần 15 năm.

Anh Phong tâm sự: Bệnh nhân tâm thần là đối tượng đặc biệt, gồm các bệnh tâm thần phân liệt, các rối loạn tâm thần, trầm cảm, động kinh, nghiện chất... nên khi làm việc gặp phải các trường hợp kích động là điều không tránh khỏi.

Những lúc phát bệnh, có người kích động đập phá đồ đạc, đánh người thân và người xung quanh, nói nhảm, chửi bới, lại có những bệnh nhân ca hát, nhảy múa cả ngày, hoặc sợ sệt, trốn trong góc phòng... Khi gặp điều dưỡng, họ thường có hành vi chống đối, cộc cằn, nóng nảy, thậm chí tấn công.

Anh Phong kể: “Nhớ có lần một bệnh nhân kích động, để trấn an bệnh nhân, tôi lại gần vỗ về. Bất ngờ bệnh nhân nổi cơn hung hăng, đánh, đấm. Tôi bị đạp mạnh vào bụng khiến ngã ra sàn bất tỉnh. Không chỉ tôi mà đa số đồng nghiệp làm trong nghề ở đây đều không ít lần bị chính bệnh nhân hành hung. Thậm chí, có một bác sĩ đã từng bị gãy tay do bệnh nhân tấn công”.

Điều dưỡng chải tóc, cắt tóc cho bệnh nhân. Ảnh: Bảo Trọng

Chị Đinh Thị Phượng đến nay đã công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh 19 năm. Chị vẫn còn nhớ ngày mới ra trường đến nhận công tác nơi đây, chị đã vô cùng ngỡ ngàng và cả sợ hãi vì thực tế công việc khác xa rất nhiều so với các bài học trên sách vở.

Chị bộc bạch: “Có lần, khi đang chăm sóc bệnh nhân, tôi bị bệnh nhân quậy phá ném chai nước trúng lên trán gây chảy máu. Lúc đó tôi tủi thân lắm. Nhưng rồi nghĩ tới những thiệt thòi mà bệnh nhân phải chịu, tôi lại thấy thương. Thấm thoắt 19 năm đã trôi qua, khó khăn, vất vả không kể hết nhưng nhìn các bệnh nhân hồi phục được xuất viện trở về nhà trong niềm vui của người thân, gia đình, của chính bệnh nhân, tôi và các đồng nghiệp là có thêm động lực để gắn bó và cống hiến cho nghề”.

Ông T.T.H. (trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) – người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh cảm kích: “Vợ tôi đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ở nhà, vợ tôi thường xuyên la hét, tình trạng ngày càng trầm trọng, nhất là những ngày nắng nóng gay gắt. Khi đưa vợ nhập viện, được các bác sĩ điều trị, các điều dưỡng chăm sóc tận tình, tình trạng vợ tôi đã cải thiện rõ rệt. Hằng ngày chứng kiến các điều dưỡng vất vả chăm sóc các bệnh nhân, tôi thật sự rất thán phục và biết ơn sự tậm tâm, tận tình của y, bác sĩ và điều dưỡng nơi đây”.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc