Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ứng phó với mùa mưa lũ ở Tây Nguyên

08:41, 29/07/2024

Sông suối ở khu vực Tây Nguyên có đặc điểm là chiều dài dòng sông ngắn, độ dốc lòng sông lớn, diện tích lưu vực nhỏ, khả năng tập trung dòng chảy nhanh.

Vì vậy, lũ lụt trên các sông suối trong khu vực thường xảy ra nhanh, với tốc độ dòng chảy và cường xuất lũ rất lớn; các vùng trũng thấp ở Tây Nguyên thường hẹp, có độ sâu ngập lụt lớn. Mặt khác, diễn biến các con lũ thường có thời gian lên nhanh, xuống nhanh, có sườn lũ rất dốc và lũ thường xuất hiện vào ban đêm nên việc phòng tránh gặp rất nhiều khó khăn.

Mưa lũ ở Tây Nguyên thường xuất hiện vào những mùa có các nhiễu động mạnh như bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông hoặc đổ bộ vào vùng bờ biển từ Trung Trung Bộ đến Nam Trung Bộ, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong thời kỳ tháng 8, 9 và không khí lạnh tăng cường trong thời kỳ tháng 10, 11. Đặc biệt, nếu bão hoặc áp thấp đổ bộ vào vùng bờ biển từ Bình Định đến Nha Trang thì thường gây mưa lũ lớn ở Tây Nguyên.

Những năm gần đây, do sự biến đổi lớn của khí hậu thủy văn toàn cầu, biến trình mưa ở khu vực Tây Nguyên cũng có những thay đổi nhất định. Số trận mưa lớn và cường độ mưa tăng lên. Kết hợp với những biến đổi tại chỗ như việc chặt phá rừng cùng nhiều hoạt động khác làm thay đổi diện mạo tự nhiên của lưu vực, khiến dòng chảy lũ trên các sông suối ở Tây Nguyên cũng trở nên hung dữ hơn và có mức độ tàn phá khốc liệt hơn.

Hiện nay, chỉ một lượng mưa vừa hoặc mưa to không phải trên diện rộng cũng có thể làm mực nước trên các sông suối lên cao đột ngột. Diễn biến của các con lũ trong những năm gần đây phổ biến là thời gian lên nhanh, sườn dốc, tạo ra những trận lũ quét đột ngột, gây ra những tác hại nhất định đối với các hồ chứa, giao thông vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người…

Mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa vụ Hè Thu 2024 tại huyện Lắk bị ngập nước. Ảnh: Hoàng Tuyết

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm 2024 có khả năng xuất hiện từ 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực bắc biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh trên biển Đông. Khi bão xuất hiện trên biển Đông thì diễn biến nhanh và rất khó lường, ở các tỉnh Tây Nguyên, bão sẽ ảnh hưởng chủ yếu là gây các đợt mưa vừa, mưa to hoặc rất to trên diện rộng sinh lũ, lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Mực nước đỉnh lũ dự kiến năm 2024 sẽ cao hơn năm trước và xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Dự báo số trận lũ khoảng 6 - 9 trận, lũ lớn tập trung chủ yếu vào các tháng 8, 9. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất phổ biến đạt từ báo động 1 đến báo động 2, một số nơi đạt từ báo động 2 đến trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 9. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất ở mức xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm và cao hơn đỉnh lũ năm 2023.

Để chủ động phòng, chống và giảm nhẹ những thiệt hại do lũ lụt gây ra, cần có các biện pháp tổng hợp, đồng bộ, xuyên suốt. Theo đó, cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho mọi người dân nhận biết rõ hơn về lũ lụt, nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống và tránh lũ.

Ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cao cần có kế hoạch chủ dộng di dời dân tránh lũ khi có thời tiết nguy hiểm xảy ra. Các đơn vị quản lý kho nước, hồ chứa và các địa phương cần kiểm tra độ an toàn của công trình thủy lợi để có phương án điều tiết kịp thời, hợp lý.

Khi xây dựng các hồ chứa mới cần lưu ý độ an toàn của công trình trong trường hợp có mưa lũ lớn, đặc biệt quan tâm đến tính điều tiết của lưu vực trong những năm gần đây đã giảm đáng kể do tác động của con người mà chủ yếu là khai thác, chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn bừa bãi.

Về lâu dài, cần có các biện pháp cụ thể, kiên quyết bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng tái sinh; tăng cường trồng mới rừng ở những vùng đất trống, đồi núi trọc, vùng sườn dốc.

Võ Duy Phương


Ý kiến bạn đọc