Multimedia Đọc Báo in

“Vạ miệng” trên livestream

07:35, 13/07/2024

Mạng xã hội đang “dậy sóng” bởi câu chuyện một đại diện nhà vườn trồng sầu riêng ở Đắk Lắk có thái độ và lời nói "kém duyên" với KOL Quang Linh Vlog trên phiên livestream ngày 7/7. Những cảm xúc tức giận của người xem trên livestream đã tạo nên làn sóng chỉ trích đến người có những phát ngôn ấy – Nguyễn Thái Huyền (O Huyền Sầu riêng) cùng việc đồng loạt hủy đơn mua sầu riêng đã đặt trước đó.

Được biết, để chuẩn bị cho phiên livestream ngày 7/7, đơn vị bán hàng là Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap Asia) đã dành thời gian chuẩn bị hơn một tháng, chọn lựa kỹ lưỡng sản phẩm sầu riêng giới thiệu đến người tiêu dùng. Ngay cả khâu khó nhất trong việc bán lẻ trái cây online là khâu vận chuyển, giao hàng, các bên cũng đã lên kịch bản cẩn thận để khách hàng có thể nhận được quả sầu riêng sớm nhất, trong vòng 2 – 3 ngày sau phiên livestream.

Có thể thấy, ban đầu, phiên livestream diễn ra rất thuận lợi, hơn 20 tấn sầu riêng nhanh chóng "cháy" hàng chỉ sau 5 - 10 phút. Sức hút của phiên livestream đến từ sự tham gia của hai KOLs là Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog nhưng không thể phủ nhận một yếu tố khác rất quan trọng là chất lượng hàng hóa có thể cảm nhận được ngay từ những múi sầu riêng vàng ươm, những hộc sầu riêng đầy đặn và cách ăn vô cùng ngon miệng của những người tham gia livestream.

Tuy nhiên, về cuối phiên, đã có những ý kiến trái chiều về nét mặt, lời nói của O Huyền với Quang Linh trong livestream như việc chê Quang Linh ăn quá nhiều, không mời Quang Linh lên dự Lễ hội Sầu riêng sắp tới… Cũng từ đó, làn sóng phẫn nộ đã truyền nhanh sang các ứng dụng mạng xã hội khác với nhiều hình ảnh, đoạn cắt video từ phiên livestream.

Không chỉ có “bão” icon (biểu tượng) phẫn nộ và bình luận chỉ trích trên trang cá nhân của O Huyền, nhiều người dùng mạng xã hội đã tạo các tài khoản giả mạo O Huyền và để lại các nội dung “thêm dầu vào lửa”, tạo trào lưu “anti O Huyền Sầu riêng” trên mạng xã hội. Làn sóng tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến riêng O Huyền mà còn tác động đến cả mặt hàng sầu riêng ngay trong thời điểm chính vụ thu hoạch ở Đắk Lắk.

Những người tham gia bán sầu riêng trên livestream của Hằng Du Mục ngày 7/7. (Ảnh cắt từ clip livestream)

Nếu đã theo dõi O Huyền Sầu riêng thời gian qua, người dùng mạng xã hội có thể nhận thấy cô cũng là người sáng tạo nội dung số được nhiều người yêu thích, nhất là những nông dân trồng sầu riêng. Các video O Huyền chia sẻ tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật canh tác và thông tin thị trường tiêu thụ sầu riêng. Nội dung các video khá ngắn gọn, súc tích, tập trung vào thông tin cốt lõi cần chuyển tải hơn là bông lơn, vui đùa, điều này phần nào định hình phong cách của O Huyền trên mạng xã hội.

Trưa 9/7, O Huyền đã gửi thư xin lỗi, xin được rút kinh nghiệm sâu sắc nhưng vẫn không xoa dịu được dư luận. Trong thư xin lỗi, O Huyền cũng thừa nhận do “bị run, bị khớp và áp lực” khi đứng cạnh những người nổi tiếng và trước một phiên megalives lớn như vậy. Đây là một bài học đắt giá của O Huyền cũng như những người sáng tạo nội dung số khác khi tham gia livestream.

Trong cơn bão “cạnh tranh số” hiện nay, sự cố “vạ miệng” của người này sẽ là nguồn tài nguyên cho người khác thu hút lượt xem, lượt quan tâm, tương tác. Cũng từ đó, người dùng mạng xã hội dễ rơi vào hiệu ứng FOMO (tạm gọi là nỗi sợ bị bỏ lỡ), bị cuốn theo làn sóng chỉ trích, tẩy chay, thậm chỉ là cả “bạo lực mạng” đối với một tập thể, cá nhân nào đó. Hệ quả này là điều không ai mong muốn.

Tỉnh táo là điều cần thiết để tránh sa vào các "bẫy" thông tin, tin giả trên mạng xã hội và cũng nên bớt FOMO, không chỉ trích để mỗi người dùng mạng xã hội đều là một công dân số thông minh và văn minh.

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.