Multimedia Đọc Báo in

Chuyện sơn nữ đưa buôn làng lên mạng

14:48, 28/08/2024

Nhắc đến địa danh buôn B’Kẻ (thị trấn Ma Đa Guôi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), trước đây phần lớn mọi người đều mang cảm giác xa lạ.

Tuy nhiên, gần đây, hình ảnh thiên nhiên, núi rừng hay những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã “phủ sóng” rộng khắp và đón nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Một trong những người góp nhiều công sức cho việc quảng bá quê hương là chị Ka Oanh - một sơn nữ người dân tộc Mạ.

Theo hướng dẫn của ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ma Đa Guôi, chúng tôi tìm đến tổ dân phố 1 (người dân nơi đây vẫn thường quen với tên gọi cũ là buôn B’Kẻ). Được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà chị Ka Oanh.

Hệt như những hình ảnh vốn đã rất “quen mắt” trên kênh TikTok “kaoanh38” (hiện có trên 378 nghìn người theo dõi), chào đón chúng tôi là một nụ cười rất hồn nhiên của một cô gái người Mạ giản dị chất phác. Dưới hiên nhà, nơi cả gia đình chị sinh sống cũng chính là “xưởng sản xuất” những thước phim “triệu view”, tôi đã được nghe kể về những câu chuyện, những trải nghiệm của chị khi từ mới chập chững làm TikToker.

Ka Oanh thao tác hình ảnh cho kênh Tiktok kaoanh38 của mình.

Chị Ka Oanh chia sẻ: “Gia đình tôi cũng như bà con nơi đây chọn làm nông nghiệp làm kế sinh nhai. Công việc thường ngày rất vất vả nhưng thu nhập không cao. Tôi nhận thấy nhiều người có làm TikToker để bán hàng nên làm thử”. Cuối năm 2022, với chiếc điện thoại trả góp, chị Ka Oanh bắt đầu làm những thước phim đầu tiên. Chia sẻ về khởi đầu khó khăn, chị nói: “Đó là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của tôi. Tôi gần như không biết cách dùng, từ việc ghi hình, dựng phim đến đăng tải, tất cả công đoạn đều phải nhờ con cái hướng dẫn rồi tự mày mò để làm.”

Không chỉ khó khăn về điều kiện vật chất, ban đầu, chị cũng không nhận được sự ủng hộ của gia đình cũng như làng xóm. Nhớ về khoảng thời gian đó, chị kể: “Bà con nơi đây rất ngại chuyện tôi chia sẻ những hình ảnh lên mạng. Có lẽ là do cảm giác tự ti, cảm giác rằng cuộc sống địa phương không có gì lạ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những điều quen thuộc với mình có thể là những điều mới, điều hay với người khác nên tôi vẫn kiên trì theo đuổi công việc này”.

Đề tài sản xuất của chị Ka Oanh rất đơn giản. Phần lớn nội dung đều xuất phát từ đời sống cá nhân, từ những món ăn mà theo chị là “không cầu kỳ nhưng ngon”. Tất cả mảnh ghép đều được sắp xếp hợp lý. Những thước phim của chị đã lan toả được những nét bình yên giản dị mà chị cho là chỉ tìm thấy được ở nơi chị sống. Thông qua quá trình làm video, chị Ka Oanh còn học thêm được nhiều về văn hóa, lịch sử địa phương, những món ăn mới.

Bằng sự chia sẻ chân thành, nội dung lôi cuốn, những thước phim của chị Ka Oanh đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực cũng như sự ủng hộ của khán giả. Theo chị Ka Oanh, đã có rất nhiều người hỏi mua những sản phẩm địa phương như rau nhíp, đọt mây, những sản phẩm thủ công… Không chỉ đáp lại tình cảm nhiệt tình của khán giả, chị còn hỗ trợ bà con địa phương bằng cách đặt hàng, thu mua những sản phẩm chất lượng của chính địa phương để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Hình ảnh trên kênh Tiktok của chị Ka Oanh.

Với chị, việc buôn bán là để phục vụ khán giả cũng như hỗ trợ bà con cải thiện đời sống lúc nông nhàn. Giống như cách chị làm TikTok, tất cả mọi việc chị làm đều phải xuất phát từ tấm lòng. Bày tỏ sự khen ngợi, ông Nguyễn Tiến Sỹ nói: “Ka Oanh là một cô gái rất đặc biệt. Việc cô ấy làm, rất ít người làm được. Cô ấy đã thành công lan tỏa và giới thiệu sản phẩm của địa phương đến với rất nhiều nơi. Không chỉ giúp đỡ cho cuộc sống của người dân địa phương, những thành quả của Ka Oanh còn đã góp phần gia tăng nhận thức của bà con, giúp họ có thêm ý thức để tự hào và bảo tồn những nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc nơi đây.”

Không chỉ là những công việc quay, dựng và đăng tải, những thước phim giản dị của chị Ka Oanh còn được vun đắp bởi tỉnh yêu quê hương, tình yêu con người. Nhờ đó, chị đã mang lại cho buôn B’Kẻ một làn gió mới, một hướng đi mới. Hy vọng sẽ không chỉ chị Ka Oanh, những buôn làng, những dân tộc, những con người khác cũng sẽ được truyền cảm hứng để có thể mạnh dạn làm những điều tốt đẹp, góp sức dựng xây, quảng bá hình ảnh quê nhà.

Uông Thái Cát Tường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.