Multimedia Đọc Báo in

Bình đẳng giới để phát triển bền vững

08:37, 18/12/2024

Thực hiện bình đẳng giới không thể chỉ đến từ nỗ lực của cá nhân mà phải là trách nhiệm của cả gia đình và xã hội.

* Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột):

Phát huy vai trò của nam giới

 

Nhiều người nghĩ bình đẳng giới là vấn đề của phụ nữ, nhưng thực tế rất cần sự tham gia của nam giới. Trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, khi nam giới tham gia vào Hội LHPN với vai trò là hội viên danh dự đã có đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, đặc biệt trong thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Bởi trên thực tế, khi tham gia vào tổ chức, nam giới có điều kiện và lý do để tìm hiểu thấu đáo hơn về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, từ đó tiếp sức cho phong trào phụ nữ địa phương ngày càng hoạt động có chiều sâu, hiệu quả. Hơn nữa sự tham gia của nam giới sẽ giúp các hoạt động của hội thêm lan tỏa, gắn kết hai giới trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội hiện đại; giúp xóa bỏ một số tư tưởng, thành kiến lạc hậu như trọng nam khinh nữ, vấn đề xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cùng với đó, nam giới cũng xây dựng được niềm tin rằng, họ có thể đảm đương và thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, là một phần của giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.

* Anh Lê Thành Tâm, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột):

Bình đẳng từ mỗi gia đình

Gia đình là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người; sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau của mỗi thành viên trong gia đình giúp mỗi người có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Bình đẳng giới trong gia đình chỉ từ những việc bình dị, đơn giản như vợ chồng chia sẻ với nhau công việc nội trợ, chăm sóc con cái và các trách nhiệm khác để tạo sự cân bằng trong vai trò của mỗi người, giảm bớt áp lực trong cuộc sống; hỗ trợ nhau trong việc phát triển sự nghiệp; cùng bàn bạc, lựa chọn phương án tốt nhất khi giải quyết công việc chung trong gia đình; thống nhất trong cách thức giáo dục con cái...

Bình đẳng giới trong gia đình giúp con cái được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, học hành đầy đủ, trở thành những công dân có ích. Đó cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh.

* Em H’Nhi, (dân tộc Mạ, sinh viên lớp Giáo dục K2021,Trường Đại học Tây Nguyên):

Đưa vấn đề bình đẳng giới vào hệ thống giáo dục

Là một sinh viên người dân tộc thiểu số, bản thân từng cố gắng thuyết phục gia đình để được đi học, em rất mong muốn hệ thống các chính sách cần tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, giải quyết các rào cản văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm củng cố sự hiểu biết về bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử; các vấn đề về giới, bình đẳng giới cần được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục; tích cực thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong tiếp cận giáo dục ở các vùng, miền.

Khi trẻ em được học hành, các em sẽ có khả năng tư duy độc lập và tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định cho cuộc đời mình. Đồng thời, việc giáo dục cả nam và nữ về bình đẳng giới từ khi còn nhỏ cũng giúp hình thành những giá trị tích cực và thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về vai trò của phụ nữ.

Khánh Như (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc