Chung tay xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
Bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới không chỉ là vấn đề riêng của gia đình mà là vấn đề, trách nhiệm của toàn xã hội, đòi hỏi mỗi người phải chung tay hành động vì một xã hội bình đẳng, hạnh phúc, không bạo lực.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh chia sẻ, theo thống kê, ở nước ta phụ nữ là đối tượng chủ yếu của bạo lực và bạo lực đối với phụ nữ xuất phát từ nguyên nhân căn bản nhất, sâu xa nhất là định kiến, khuôn mẫu giới, điển hình là tư tưởng trọng nam, coi thường nữ.
Thậm chí nhiều người tin rằng, trong một số trường hợp như khi người vợ có lỗi, thì bạo lực đối với họ là chấp nhận được, hoặc phân chia tài sản thì con trai được nhiều hơn con gái là đương nhiên; và hầu hết cho rằng việc nhà, chăm sóc nuôi dạy con là của phụ nữ.
Tình trạng bạo lực với phụ nữ là biểu hiện cao nhất của bất bình đẳng giới, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, nhân phẩm, quyền con người, ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội.
Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng buôn Dơng Kriêng (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) tuyên truyền về bình đẳng giới cho người dân. |
Để thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Việt Nam đã có rất nhiều động thái tích cực và quyết liệt. Nước ta là một trong những quốc gia phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ sớm nhất (năm 1981); ban hành và thực hiện Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2022); triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025.
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc thực hiện cam kết quốc tế về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, để thúc đẩy bình đẳng giới sớm trở thành hiện thực, bắt đầu từ năm 2016, nước ta đã phát động, triển khai “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” hằng năm.
Đến nay, Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia được đánh giá thực hiện tốt nhất mục tiêu (số 5) về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái (trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc), khoảng cách giới trên nhiều lĩnh vực được thu hẹp, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược bình đẳng giới đến năm 2025.
Tại Đắk Lắk, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, huy động sự chung tay của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong truyền thông, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trên một số lĩnh vực, cũng như phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Đại diện các ban, ngành, Hội LHPN các cấp ký cam kết thống nhất trong chỉ đạo, triển khai, phối hợp thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. |
Hiện nay, tỉnh ta có tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 29%; nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm tỷ lệ 27%; có trên 90% phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng công chức, viên chức nữ được quan tâm, chú trọng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, hạn chế như: vấn đề định kiến, khuôn mẫu giới, bạo lực trên cơ sở giới, lựa chọn giới tính khi sinh vẫn còn; trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của phụ nữ còn hạn chế so với nam giới; nhiều phụ nữ thiếu việc làm, thu nhập thấp; một số phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa phấn đấu tự vươn lên. Đặc biệt, các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng, không chỉ làm tăng thêm những khó khăn hiện hữu, mà còn tạo ra thách thức mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh H’Yim Kđoh cho rằng, vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại, vì hạnh phúc của mỗi gia đình cần huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là nam giới cùng chung tay thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; nhất là trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, hướng tới xây dựng “xã hội an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc