Multimedia Đọc Báo in

Phát huy chính sách hỗ trợ, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo

08:15, 19/12/2024

Năm 2024, huyện M'Drắk đạt được kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên lộ trình cho công tác này trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông NGUYỄN THẾ THẬP, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện M'Drắk chung quanh nội dung này.

Ông Nguyễn Thế Thập. Ảnh: Hoàng Ân

*Ông đánh giá thế nào về kết quả giảm nghèo năm 2024 của địa phương?

Theo báo cáo sơ bộ của UBND các xã, thị trấn năm 2024, toàn huyện giảm 1.319 hộ nghèo, đạt 7,07% (chỉ tiêu giảm nghèo theo nghị quyết đề ra là 3-3,5%), đưa số hộ nghèo từ 5.408 hộ (chiếm 28,27%) năm 2023 giảm còn 4.089 hộ (21,2%). Tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2024 của huyện là 33,67% (giảm 9,89% so với cuối năm 2023).

Đây là kết quả sự tập trung lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện và của cả hệ thống chính trị, với sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho huyện nghèo M'Drắk, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng nông thôn mới...

Với việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ, thực hiện đồng bộ giải pháp đã tạo cơ hội, điều kiện để nhiều địa phương trong huyện phát triển; các hộ dân theo đó thuận lợi hơn trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nhiều vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ hiệu quả... Năm nay, nhiều loại nông sản được mùa, được giá, thu nhập của người dân tăng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

* Kết quả giảm nghèo năm 2024 và giai đoạn 2021-2024 là động lực để huyện thoát nghèo năm 2025, song vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Theo ông, những khó khăn cụ thể đó là gì?

Phải khẳng định đây là bài toán khó. Bởi M'Drắk là huyện nghèo, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên 50% dân số; trình độ, năng lực sản xuất và tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân vẫn còn hạn chế; kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, liên kết theo chuỗi, sản phẩm nông nghiệp bền vững vẫn còn nhiều bất cập.

Để giữ vững kết quả giảm nghèo đạt được và đạt mục tiêu năm 2025 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, người dân phải được thụ hưởng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, như: vay vốn sản xuất, chuyển đổi nghề và đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Từ cặp bò được hỗ trợ năm 2021, đến nay hộ anh Võ Xuân Hải ở thôn 6 (xã Ea Lai, huyện M'Drắk) đã phát triển đàn bò lên 9 con. Ảnh: Hoàng Ân

 *Câu chuyện giảm nghèo bền vững chưa bao giờ là dễ dàng. Vấn đề đặt ra là thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Để giữ được tỷ lệ giảm nghèo bền vững, ổn định theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra, cả hệ thống chính trị nói chung và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội nói riêng phải nắm vững được chủ trương, chính sách; nắm được khả năng đối ứng và đầu tư từ các chương trình để thực hiện sao cho phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa phương để nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước phát huy hiệu quả cao nhất. Nguồn lực đầu tư hiện nay không dàn trải, mà có trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng yêu cầu của từng nội dung cụ thể. Trên cơ sở đó, huyện đã định hướng các vùng sản xuất, xây dựng các chuỗi liên doanh, liên kết ở từng lĩnh vực, từng địa phương để không chỉ phát huy lợi thế của nguồn lực hỗ trợ, mà còn huy động được nội lực của người dân về vốn, đất đai, lao động nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo.

Ở huyện M'Drắk, ngoài trồng rừng, thì cây lâu năm với trên 2.000 ha cũng là một thế mạnh cần được phát huy. Gần đây, người dân đã chú trọng đầu tư sản xuất theo các chuẩn VietGAP, GlobalGAP; nhiều loại nông sản, sản phẩm nông nghiệp đã đạt OCOP, được cấp mã số vùng trồng... Điển hình như quả nhãn ở xã Ea Pil đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. Việc trồng nhãn xuất khẩu đối với nhiều hộ dân đã trở nên chuyên nghiệp. Hay lĩnh vực chăn nuôi, tuy quy mô không lớn nhưng đã có nhiều trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Các hộ chăn nuôi đã được doanh nghiệp đầu tư về con giống, thức ăn, bao tiêu đầu ra toàn bộ. Diện tích cây mía, cây sắn ở địa phương cũng khá lớn, trên 6.000 ha/mỗi loại cây. Đây là hai loại cây trồng có sự liên kết đầu tư của các doanh nghiệp. Với Công ty Mía đường Ninh Hòa và các nhà máy sắn trong huyện thì toàn bộ sản lượng mía, sắn sản xuất ra đều được tiêu thụ, với giá cả ổn định...

Các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho người dân thông qua nhiều kênh như hợp tác xã, xã... Như vậy, người dân đã được tiếp cận, thụ hưởng, có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Để tiếp tục thực hiện các chương trình này, tuy khó nhưng huyện hỗ trợ người dân kết nối sản xuất theo chuỗi, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để vừa được cung ứng đầu vào, vừa giải quyết được đầu ra; phải duy trì mối liên doanh, liên kết liên tục từ 3 - 5 năm để người dân có thể tiếp cận, học hỏi về phương pháp, năng lực quản lý, cách điều tiết sản xuất phù hợp và quan trọng có được đầu ra ổn định, từ đó sẽ an tâm, có khả năng đầu tư và mạnh dạn đầu tư. Như vậy, mới thoát nghèo, thoát nghèo bền vững.

* Xin cảm ơn ông!

  Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nhiều vấn đề thiết thực được thanh niên kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh
Sáng 18/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên năm 2024 về chủ đề “Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao trong thanh niên tỉnh Đắk Lắk giai đoạn hiện nay”.