Multimedia Đọc Báo in

Chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

08:35, 05/01/2025

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương luôn quan tâm, triển khai thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn.

Từ đó, diện mạo nông thôn ngày càng được cải thiện, người dân đã hình thành thói quen, có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống.

Theo ông Trần Xuân Phước (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng), trước đây hai bên đường khu vực ông ở cỏ dại mọc um tùm và môi trường xung quanh rất nhiều rác. Trước thực tế đó, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường bắt đầu ngay tại mỗi gia đình. Từ khi được các cấp, các ngành tuyên truyền, bà con nơi đây đã nhận thức rõ những nguy cơ, tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống và sự phát triển của địa phương. Bà con trong thôn đã chủ động làm sạch cỏ hai bên đường, trồng hoa để làm hàng rào cây xanh trước nhà, không vứt rác bừa bãi, thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định. Đồng thời tích cực cải tạo vườn, đất trống xung quanh nhà để trồng rau màu, vừa tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp vừa góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Huyện Ea H'leo cũng đã triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường. Nổi bật như mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” ở buôn Lê B và Trường Mầm non Tư thục Hoa Phong Lan do UBND thị trấn Ea Drăng phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên thị trấn triển khai.

Phụ nữ xã Ea M'nang (huyện Cư M'gar) chăm sóc "Đường hoa phụ nữ" trên các tuyến đường nông thôn. Ảnh: Đỗ Lan

Là một trong những hộ dân tham gia mô hình, ông Trần Ngọc Hùng (liên gia 2, buôn Lê B, thị trấn Ea Drăng) cho biết, trước đây gia đình ông cũng như các hộ khác trên địa bàn không hề biết đến việc phân loại thành rác dễ phân hủy, rác khó phân hủy và rác tái chế sau khi sử dụng. Các loại rác như vỏ đồ hộp bằng kim loại, thủy tinh đều để chung với rác thực phẩm… Từ khi mô hình "Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" được triển khai, người dân đều đồng tình ủng hộ, tự giác phân loại, bỏ từng loại rác vào đúng thùng rác quy định. Theo ông Hùng, việc phân loại rác có nhiều cái lợi, như vừa có thêm rác hữu cơ là thức ăn thừa, rác nhà bếp để bón cho cây trong vườn hoặc làm thức ăn chăn nuôi vừa lọc ra được những loại rác có thể tái chế. Ngoài ra, việc tách bạch các loại rác tại nguồn giúp công nhân thu gom dễ dàng phân loại, vận chuyển, qua đó góp phần giảm lượng rác thải cần xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế. "Chỉ mất thêm một chút thời gian nhưng đổi lại môi trường, đường làng, ngõ xóm ngày càng sạch đẹp hơn. Hy vọng mô hình này sẽ ngày càng được nhân rộng nhiều hơn tại các địa phương”, ông Hùng bộc bạch.

Ông Phạm Văn Nhật, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Drăng cho biết, sau hơn hai tháng triển khai mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” đã mang lại hiệu ứng tích cực, giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi trong xử lý rác thải nguy hại, từng bước xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình để cùng chung tay bảo vệ môi trường nông thôn. Bởi việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn chính là góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân và cả cộng đồng. Đây cũng là tiền đề để tiếp tục nhân rộng mô hình ra tất cả các buôn, tổ dân phố trên địa bàn thị trấn.

Có thể thấy, các mô hình, cách làm trên đã từng bước tạo được thói quen, hình thành văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trong cộng đồng. Từ đó, tạo nên nếp sống văn minh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc