Về quê ăn Tết - Ấm tình đồng hương
Đã 14 mùa Xuân, các tình nguyện viên của "Gruop đi xe máy về Đắk Lắk" kiên trì tổ chức các đoàn xe về quê ăn Tết cho cộng đồng người Đắk Lắk đi làm, học tập ở các tỉnh phía Nam.
Hơn 13 giờ ngày 23/1/2025 (nhằm ngày 24 tháng Chạp), trước sân Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, đoàn xe máy hơn 50 chiếc mang biển số 47 dừng lại chụp hình lưu niệm kết thúc chặn đường dài từ TP. Hồ Chí Minh về quê ăn Tết.
Tất cả đứng sát bên nhau, người tạo kiểu “thả tim”, có người cố ý hô thật to, có người còn giơ cao nắm tay thể hiện sự mạnh mẽ… Khi bức ảnh chụp xong, mọi người nhìn lại và bật cười vì những lằn đen do khói, bụi tạo ra vẫn còn bám đầy trên mặt, có người bị “dìm hàng” vì bị khuất phía sau,nhưng ai cũng vui vẻ và trân quý khoảnh khắc này.
“Gruop đi xe máy về Đắk Lắk” team ngày 24 Tết chụp ảnh kỷ niệm sau hành trình dài "về quê ăn Tết". |
Đoàn xe máy gồm sinh viên, công nhân, người lao động đi làm việc, học tập ở các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk ăn Tết do anh Trần Văn Minh (ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) tình nguyện viên của “Group đi xe máy về Đắk Lắk” (gọi tắt là Group) làm trưởng đoàn.
Anh Minh cho biết, đoàn xuất phát từ 2 giờ sáng ở bến xe miền Đông (TP. Hồ Chí Minh) với 30 chiếc xe máy, dọc đường đón thêm các xe, thành viên, đến 13 giờ đoàn (82 người) về tới TP. Buôn Ma Thuột an toàn. Trước đây, anh Minh thường xuyên về quê ăn Tết bằng xe máy, nên từ năm 2022 anh đăng ký trở thành tình nguyện viên của Group để dẫn đoàn đồng hương về quê mỗi khi lễ, Tết.
Còn với em Sùng Thị Váng (SN 2002) thôn Cư Tê (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), đây là lần đầu tiên đi xa nhà và trở về vào dịp Tết bằng xe máy cùng những người bạn đồng hành ở xã Yang Tao, xã Cư Drăm. Do đó, em rất phấn khởi khi chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn trước khi chia tay.
Em Váng trò chuyện, tháng 3/2024 nhờ tham gia phiên giao dịch việc làm tại UBND xã Cư Pui mà đi làm công nhân tại khu Công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Em biết đến Group qua một người bạn cùng phòng trọ. Ban đầu em phân vân vì sợ, lại không có xe máy, rồi chi phí ngày Tết. Vậy nhưng khi em vừa nhắn tin hỏi thăm là được các anh, chị tình nguyện viên trong Group tư vấn, sắp xếp ghép xe… Buổi tối trước ngày về, Trưởng đoàn còn dặn dò, thời gian, địa điểm đoàn đón, em cảm thấy rất ấm lòng.
Sau khi chụp ảnh, mọi người nghỉ ngơi thoải mái, anh Trần Văn Minh phân chia đoàn làm 3 nhóm. Một nhóm chở thành viên đến trạm xe buýt, nhóm khác đưa đến các nhà xe dịch vụ về tận nhà, nhóm còn lại là các bạn ở cùng huyện đi xe máy về, kết thúc chuyến trành trình “về quê ăn Tết” từ TP. Hồ Chí Minh - TP. Buôn Ma Thuột. Các thành viên chia tay tạm biệt, 82 người chỉ mới gặp nhau vào sáng sớm, có người còn chưa nhớ hết tên của các thành viên trong đoàn, giờ đây nước mắt bịn rịn, hẹn nhau "qua Tết, lại cùng vào Nam!".
Gần 15 giờ, thành viên cuối cùng của team ngày 24 Tết là em Dương Thị Thùy Trang (sinh viên trường Cao đẳng Y Dược Hồng Đức) nhà ở huyện Ea H’leo về đến nhà, ngay lập tức nhắn tin vào nhóm Zalo thông báo về đến nhà an toàn và không quên cảm ơn mọi người.
Những tin nhắn của các thành viên thông báo đã về đến nhà. |
Anh Võ Trọng Lam (31 tuổi) ở huyện M'Drắk (hiện đang kinh doanh tại tỉnh Đồng Nai), điều hành chính của Group cho biết, Group có hơn 300 tình nguyện viên ở các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh..., ngoài ra Group còn xây dựng các trang xã hội TikTok, Fanpage và 4 nhóm Facebook, Zalo với hơn 192.000 thành viên nhằm hỗ trợ các bạn ở phía Nam về tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là các dịp lễ, Tết.
Tết Nguyên đán mỗi năm, cứ đến đầu tháng Chạp, Group thông báo lên các nhóm, Fanpage, nhận đăng ký, sắp xếp ghép xe, ngày về, bắt đầu từ ngày 20 - 28 tháng Chạp. Các thành viên đăng ký sẽ tự túc chi phí hoặc chia với người đi ghép xe; còn Group làm công tác tổ chức đoàn và hỗ trợ những trường hợp khó khăn không có điều kiện, được tình nguyện viên chở miễn phí.
Để đảm bảo an toàn trong suốt hành trình gần 350 km, công tác tổ chức được Group chuẩn bị công phu. Mỗi ngày 1 đoàn, không dàn hàng, không được phép vuợt trừ các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ, tốc độ chạy và điều khiển phương tiện phải đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, đặc biệt phải nghỉ ngơi đúng giờ giấc trước khi khởi hành.
Mỗi đoàn có một trưởng đoàn (là người chịu trách nhiệm chính), đội hỗ trợ và đội tiền trạm. Đội tiền trạm xuất phát trước thời điểm đoàn di chuyển khoảng 1 giờ đồng hồ nhằm chọn địa điểm nghỉ ngơi, ăn uống và đổ xăng. Đội hỗ trợ sẽ dẫn đầu và "khóa đuôi” đoàn ở phía sau, quan sát hết thành viên khi lái xe cũng như kịp thời hỗ trợ nếu có xe máy nào gặp trục trặc trên đường. Hành trình di chuyển khoảng 10 tiếng đồng hồ và chia làm 3 chặng, cứ 100 km dừng lại nghỉ ngơi; với những đoàn có trẻ em, sẽ tăng số lần nghỉ ngơi. Trên đường đi, mỗi khi đến các chốt kiểm tra an toàn giao thông, trưởng đoàn có nhiệm vụ báo cáo cụ thể tình hình, số lượng người trong đoàn cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông và tuân thủ các yêu cầu của chốt.
“Gruop đi xe máy về Đắk Lắk” team ngày 24 Tết báo cáo số lượng và thành viên cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Đắk Nông) tại chốt kiểm tra an toàn giao thông trên Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk R'Lấp. |
Xuân Ất Tỵ, trong những ngày đầu, đoàn xe khá ít, từ 25 - 30 xe máy. Bắt đầu từ ngày 25 - 28 tháng Chạp là cao điểm của Group khi đưa người về quê. Số lượng thành viên đăng ký trung bình mỗi ngày từ 200 - 220 xe máy. Tổng người đăng ký ghép xe lên hơn 1.000 lượt. “Đến nay, tôi đã tạm khóa các nhóm đăng ký vì đã vượt quá số người quy định, chúng tôi cũng xem xét “đặc cách” cho những trường hợp khó khăn đăng ký trong các ngày còn lại. Thống kê sơ bộ, số lượng thành viên về đến nhà an toàn là hơn 950 người. Trong 2 ngày còn lại, Group sẽ tổ chức 400 chiếc xe máy với gần 800 người về Đắk Lắk ăn Tết”, anh Lam cho hay.
Tết - không chỉ là ngày đoàn viên, mà còn là dịp để lan tỏa yêu thương, gắn kết. Trên hành trình dài “về quê ăn Tết”, câu chuyện ấm tình đồng hương của các tình nguyện viên “Group đi xe máy về Đắk Lắk” không chỉ là kỷ niệm cho những thành viên mà còn tạo hình ảnh đẹp của người con Đắk Lắk xa quê.
Hà Anh
Ý kiến bạn đọc