Chủ động ứng phó với bệnh cúm mùa
Lo ngại bệnh cúm mùa diễn biến phức tạp, những ngày qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh.
Vắc xin “cháy hàng"
Dù đã qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng do thời tiết vẫn lạnh kéo dài nên chị Nguyễn Hồng Thanh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã đăng ký tiêm vắc xin phòng cúm cho 4 thành viên trong gia đình. Lo ngại dịch cúm bùng phát nên chị chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh. Đây cũng là năm đầu tiên gia đình chị tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Khánh, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho hay, thời gian gần đây, khi dịch cúm mùa gia tăng ở miền Bắc, lượng người đến tiêm vắc xin ở Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh tăng đột biến, tăng gấp 3 - 4 lần so với bình thường. Hiện, bệnh viện đang tổ chức tiêm 2 loại vắc xin cúm của Pháp, Hà Lan ngừa được 4 chủng cúm, giảm được nguy cơ mắc bệnh lý về cúm, giảm nguy cơ mắc các bệnh đồng nhiễm về hô hấp cho người bệnh.
![]() |
Khám sàng lọc với trường hợp người bệnh nghi mắc cúm mùa tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Tại Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật - Y tế dự phòng (Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số người đi tiêm vắc xin cũng tăng gấp 3 - 4 lần so với trước, trung bình khoảng 200 lượt/ngày. Bác sĩ CKI H’Bum Knul, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật - Y tế dự phòng (Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên) cho biết, từ khi có thông tin về các ca mắc cúm tăng đột biến tại một số nước và một số tỉnh thành trên toàn quốc, nhu cầu tiêm vắc xin phòng cúm của người dân cũng tăng cao. Hiện tại trung tâm có 3 loại vắc xin phòng cúm gồm vắc xin Vaxigrip Tetra của Pháp, vắc xin GCFlu Quadrivalent của Hàn Quốc, vắc xin Influvac Tetra của Hà Lan. Tuy nhiên, do người dân ồ ạt đi tiêm phòng nên vắc xin Vaxigrip Tetra của Pháp và vắc xin Influvac Tetra của Hà Lan hiện đã hết.
Bác sĩ H’Bum Knul cũng khuyến cáo, tất cả các loại vắc xin đều chứa 3 chủng cúm H1N1, H2N2 và cúm A, B thông thường. Cúm bao gồm các chủng A, B, C trong đó chủng A có số lượng người mắc nhiều nhất, chủng B mắc ít hơn và chủng C rất ít người mắc. Tiêm vắc xin cúm để phòng các chủng bệnh nhưng vắc xin cúm phải được tiêm hằng năm thì sức khỏe mới được bảo vệ về lâu về dài.
Sẵn sàng phương án phòng dịch
Sau một tuần điều trị bệnh cúm tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bà Lương Thị Hồng (62 tuổi, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã thuyên giảm bệnh và ổn định sức khỏe. Bà Hồng cho biết, trước đó bà có dấu hiệu ho khan, người mệt mỏi, ớn lạnh, rét run nên đã đến bệnh viện khám bệnh và được cho nhập viện với chẩn đoán cúm A. Bản thân bà Hồng và người thân trong gia đình chưa bao giờ tiêm vắc xin phòng cúm. Nhờ điều trị kịp thời, sức khỏe bà Hồng đã chuyển biến tốt hơn.
![]() |
Người dân tìm hiểu thông tin về bệnh cúm mùa tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Bác sĩ H’Nuen Hđớk, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho hay, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị 36 bệnh nhân mắc bệnh cúm mùa. Tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng khu điều trị, giường, phòng, các vật tư trang thiết bị, thuốc men đầy đủ. Các chủng cúm thường gặp tại Việt Nam như cúm A H3N2, H1N1 và cúm B. Thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi cho bệnh cúm phát triển. Bệnh cúm mùa thường xuất hiện đột ngột, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho khan, đau họng, tiêu chảy, nôn ói là những triệu chứng thường gặp ở cúm A H1N1. Biến chứng thường nặng nhất hay gặp ở người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai và các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như bệnh tim, phổi, thận, các bệnh nhân có suy giảm miễn dịch như HIV. Cúm mùa có 3 nhóm, nếu người bệnh mắc cúm nhóm 1 có triệu chứng nhẹ như sốt, nhức mỏi toàn thân thì có thể cách ly điều trị tại nhà, bệnh nhân có biến chứng về đường hô hấp thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nhận định, hiện nay bệnh cúm mùa tại Nhật Bản, Trung Quốc đang bùng phát rất mạnh. Tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội thông báo số ca mắc cúm mùa tăng lên. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chuẩn bị phương án để ứng phó với tình hình dịch cúm có nguy cơ bùng phát. Theo đó, thành lập khu khám sàng lọc bệnh nhân ngay từ khi vào cổng bệnh viện, người bệnh có dấu hiệu mắc cúm nếu nghi ngờ cúm thì tùy đối tượng mà cho nhập viện hoặc khám kê đơn điều trị ngoại trú và hướng dẫn cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Cùng với đó, bệnh viện đã đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình bệnh cúm và phương pháp phòng ngừa bệnh cúm thông qua pano tại lối ra vào khu khám bệnh. Bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân cúm, trang bị thuốc, vật tư y tế đầy đủ, chuẩn bị máy thở cho những trường hợp diễn tiến nặng, sẵn sàng thu dung điều trị các trường hợp mắc cúm.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc