Thêm động lực cho phụ nữ khởi nghiệp
Triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk để tạo sinh kế, phát triển kinh tế.
Cuối năm 2022, vợ chồng chị Trần Thúy Vân rời TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) trở về TP. Buôn Ma Thuột lập nghiệp.
Với ý tưởng thuyết phục về mô hình kinh doanh cà phê kết hợp dịch vụ thể thao, chị Vân đã được Hội LHPN thành phố hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp với số tiền 100 triệu đồng.
Sau gần 3 năm, gia đình chị đã cơ bản hoàn thiện mô hình kinh doanh tổng hợp với quán cà phê Mai Mey House, 2 sân cầu lông, 1 sân bóng bàn, đem lại nguồn thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng.
Chị Vân chia sẻ, đối tượng phục vụ là người thu nhập thấp nên giá nước uống cũng thấp so với mặt bằng chung trong khu vực, dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/món; do đó, biên độ lợi nhuận thấp nhưng số lượng bán ra nhiều, tập trung vào buổi chiều tối các ngày trong tuần. Để tăng sức hút, chị chú trọng công tác vệ sinh, nguyên liệu đầu vào chất lượng và ý kiến phản hồi của khách để cải thiện chất lượng nước uống, bổ sung món mới...
![]() |
Chị Trần Thúy Vân, phường Tân Hòa pha chế nước uống phục vụ khách. |
Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vào năm 2022 chị Hoàng Thị Minh Tâm (phường Ea Tam) được Hội LHPN thành phố hỗ trợ 100 triệu đồng để khôi phục hoạt động Trường Mầm non Sơn Ca sau đại dịch COVID-19. Chị Tâm chia sẻ, đây là trường tư thục thành lập năm 2010, việc đóng cửa trường học thời gian dài đã khiến cơ sở vật chất xuống cấp nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Với vai trò hiệu trưởng, ngay khi tiếp cận được vốn vay, chị đã bắt tay sửa chữa phòng học, mở rộng sân chơi, mua sắm đồ chơi và thiết bị dạy học. Môi trường học tập sạch sẽ, thoáng đãng giúp việc tuyển sinh thuận lợi hơn. Hiện tại, trường có tổng diện tích 900 m2 với 4 lớp học, 80 học sinh.
Theo thống kê của Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột, từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ thủ tục pháp lý thành lập 4 doanh nghiệp nữ, 8 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ và quản lý; hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho 640 hội viên phụ nữ với tổng kinh phí huy động từ các nguồn lực trên 22 tỷ đồng. |
Ở lĩnh vực nông nghiệp, gia đình chị Lê Thị Ánh Tuyết (phường Tân Lập) lựa chọn mô hình nông nghiệp sạch – trồng nấm để phát triển sản xuất.
Theo đó, đầu năm 2024 chị được vay vốn khởi nghiệp 100 triệu đồng để mua nguyên liệu như: mùn cưa, bịch nilon, sửa chữa lò sấy… tái sản xuất trên trại nấm của gia đình. Hiện tại, bình quân mỗi năm chị trồng được 3 đợt nấm (sò, mèo, bào ngư) và được thương lái thu mua tại nhà; thu lãi khoảng 120 - 150 triệu đồng/năm.
Chị Tuyết chia sẻ, so với các mô hình nông nghiệp khác thì trồng nấm khá thuận lợi, dễ kiểm soát đầu vào, đầu ra. Tuy nhiên, người trồng cũng gặp nhiều rủi ro trong sản xuất do yếu tố kỹ thuật, chất lượng nguyên liệu, thời tiết bất thường… nên cứ vừa trồng vừa tích lũy kinh nghiệm.
Hiện tại, chị Tuyết vừa vận hành trại nấm của gia đình vừa tham gia “mạng lưới” những người trồng nấm của tỉnh trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin (thời tiết, khí hậu, tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ), hỗ trợ kỹ thuật khi cần.
Song song với hỗ trợ vốn vay, các cấp hội LHPN còn quan tâm đến công tác thông tin về thị trường, xu hướng khởi nghiệp xanh; trong đó chú trọng đến việc phát huy lợi thế vùng miền, truyền thống gia đình, điều kiện về đất đai… để gây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Các cấp hội sẽ hỗ trợ chị em phát triển từ ý tưởng nhỏ lẻ mang tính cá nhân thành ý tưởng hoàn thiện hơn với định hướng phát triển cụ thể để hỗ trợ vốn vay hiện thực hóa ý tưởng đó.
![]() |
Chị Lê Thị Ánh Tuyết (phường Tân Lập) kiểm tra nấm. |
Theo chị Vũ Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN phường Ea Tam, phụ nữ ngày nay rất sáng tạo trong kinh doanh, tiếp cận thị trường tốt. Do đó, tùy quy mô kinh doanh mà chị em có thể vay từ 50 - 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi…
Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, hội luôn cố gắng đa dạng hóa hình thức hỗ trợ để có thể đồng hành và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho nhiều chị em. Đó là tổ chức nhiều hoạt động như: ngày hội phụ nữ khởi nghiệp; hội chợ giới thiệu, kết nối sản phẩm của hội viên phụ nữ khởi nghiệp các cấp; hướng dẫn hội viên xây dựng đề án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp; tổ chức diễn đàn phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng số…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc