Đặt tên đơn vị hành chính mới: Không chỉ là danh xưng!
Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn tất dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó đề xuất những tiêu chí đặt tên mới cho các xã, phường sau khi sáp nhập.
Một trong những nội dung đáng chú ý là khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị cấp huyện trước sắp xếp có gắn số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa dữ liệu. Điều này đã dấy lên không ít băn khoăn trong dư luận, đặc biệt là từ góc độ văn hóa – lịch sử.
Để không bị tổn thất về văn hoá
Từ bao đời nay, địa danh làng, xã, huyện, tỉnh ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là những cái tên để nhận diện, mà còn gắn liền với lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền. Mỗi địa danh đều mang trong mình dấu ấn riêng, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của một vùng đất, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân.
Những tên gọi như "Đông Ngạc", "Quỳnh Đôi", "Hương Sơn", "Làng Chuông" không chỉ giúp người nghe liên tưởng đến một vùng đất cụ thể mà còn gợi nhắc những truyền thống văn hóa, những sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là ký ức cộng đồng, là niềm tự hào của bao thế hệ. Vì vậy, việc thay thế những địa danh có chiều sâu lịch sử bằng những con số khô khan như "phường 1", "phường 2", "xã 3" rõ ràng là một sự tổn thất về mặt văn hóa.
![]() |
Ngã Sáu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Gia |
Thực tế, việc đặt tên đơn vị hành chính theo số thứ tự không phải là mới. Từ những năm 1960 - 1970, khi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp diễn ra, nhiều làng quê đã bị thay đổi tên gọi truyền thống thành các "thôn 1", "thôn 2", "hợp tác xã số 3"... Tên làng cổ kính, đậm chất văn hóa bị thay thế bởi những ký hiệu hành chính khô cứng. Kết quả là sau nhiều thập kỷ, những tên gọi ấy không để lại dấu ấn trong lòng người dân, không tạo ra sự gắn kết cộng đồng. Thậm chí, nhiều nơi sau đó đã phải khôi phục lại tên gốc để khẳng định bản sắc của mình.
Giờ đây, trong cuộc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này, chúng ta lại đứng trước nguy cơ lặp lại. Nếu tiếp tục xu hướng đặt tên theo kiểu "phường A1", "phường A2" hay "xã B3", chúng ta không chỉ làm mất đi giá trị truyền thống mà còn đẩy địa phương vào tình trạng mất bản sắc, khiến người dân khó nhận diện và thiếu sự gắn bó với nơi mình sinh sống.
Cần cách tiếp cận tôn trọng lịch sử và văn hóa địa phương
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là một chủ trương cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể tùy tiện trong việc đặt tên. Một chính sách đúng đắn cần cân bằng giữa sự thuận tiện trong quản lý và việc bảo tồn giá trị văn hóa.
Thay vì khuyến khích đặt tên theo số, nên khuyến khích giữ lại những địa danh có bề dày lịch sử, hoặc chọn những tên gọi có ý nghĩa phù hợp với đặc trưng vùng miền. Chẳng hạn, một xã mới hình thành từ 3 xã cũ có thể mang một cái tên gợi nhắc đặc trưng địa lý, sinh thái hoặc lịch sử của vùng, thay vì đơn thuần gọi là "xã A1".
Trong văn hóa làng, địa danh – tên khai sinh của làng – đóng vai trò hết sức quan trọng. Cha ông xưa không tùy tiện trong việc đặt tên đất, tên làng cho dù là một cái tên ngắn gọn, đơn giản, có khi chỉ một “chữ” như “Đông”, “Đoài”, “Thượng”, “Hạ”, “Mơ”, “Lủ”, “Vẽ”… nhưng đều chuyển tải trong đó ẩn ý của cộng đồng về vị thế địa lý, phong tục, tập quán, tín ngưỡng hay một sự tích nào đó gắn với làng.
Một xã, phường sau sắp xếp sẽ có diện tích và số dân tương đương với một huyện nhỏ, bao gồm hàng chục đơn vị thôn (làng). Thế cho nên khôi phục lại tên làng, mà phần lớn hiện nay đang mang tên theo số thứ tự, sẽ giúp cộng đồng dễ dàng định vị về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và cũng là cách để gìn giữ, bảo tồn ký ức về vùng quê đã tồn tại hàng trăm năm trong lịch sử.
Thiết nghĩ, việc đặt tên địa danh cần có sự tham vấn ý kiến cộng đồng. Nhân dân là chủ thể của địa phương, họ có quyền được góp ý và lựa chọn những tên gọi phù hợp với truyền thống và nguyện vọng của mình. Nếu một địa danh đã gắn bó với bao thế hệ, tại sao lại thay đổi nó một cách máy móc chỉ vì lý do "thuận lợi cho số hóa dữ liệu"?
Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc