Đời rác…!!! (Bài 1)
Bãi rác – những tưởng đã là điểm tận cùng của sự bỏ đi nhưng ở đó, rác vẫn tiếp tục được hồi sinh bởi hành trình mưu sinh của những người nhặt rác. Nơi ấy có những phận đời sống nhờ… rác và cũng có cả những ước mơ “nảy mầm” và được nuôi lớn…
Bài 1: Bãi rác không ngủ
Bãi rác Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) nằm tách biệt với khu dân cư. Nhưng khác xa cái vẻ biệt lập, một đời sống khá tất bật và sôi động nơi xóm bãi này - tên những cư dân làm nghề nhặt rác ở đây thường gọi.
Ngày cũng như đêm, trên những núi rác cao chất chồng, lúc nào cũng có vài chục đến cả trăm con người miệt mài khom lưng bới tìm và nhặt nhạnh.
"Tạm trú" để kiếm... rác
Cư dân xóm bãi, nhà người ở gần cũng cách đó cả chục cây số, người xa hơn đến 30 - 40, thậm chí 60 - 70 cây số. Bãi rác không ngủ, khi nào cũng có người “hành nghề”.
Rất nhiều người đã chọn cách chịu khó “tạm trú” để túc trực các xe rác, hy vọng "năng nhặt chặt bị", kiếm được nhiều thứ đồ có thể bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Người thì "cắm chốt" từ sáng đến chiều muộn, người thì làm xuyên đêm đến sáng. Thế nên ngay trên bãi rác đã có đến gần chục lán trại được dựng lên để làm chỗ nghỉ chân, mà nguyên vật liệu toàn bộ được tận dụng từ việc thu lượm rác, cư dân gọi vui là “made in bãi rác”.
Đó là vài ba cây sắt, các tấm bạt, tấm nilon cũ kỹ, nát nhàu buộc chặt bằng lạt hoặc dây vải; rồi mỗi ngày, đồ dùng trong lán cũng tươm tất hơn khi họ nhặt thêm được bộ sofa cũ, cái ghế lười gãy mất một chân, chiếc chiếu trúc đã sờn màu, bung chỉ, đứt gân… Tất cả được vá víu, chằng buộc lại làm chỗ để che nắng, bớt gió bụi mưa lùa, có chỗ cơm nước, cùng nhau chuyện trò, ngả lưng lúc nghỉ ngơi.
![]() |
Bãi rác Hòa Phú không khi nào vắng bóng người nhặt rác mưu sinh. |
Phương tiện để mưu sinh của những cư dân ở đây đơn giản chỉ gồm: một chiếc bao nhựa hoặc tấm vải lớn để đựng đồ thu lượm được; một con dao nhỏ (đã bỏ phần nhọn) giắt bên hông; một thanh sắt dài, một đầu được làm nhọn và uốn cong để cào bới rác; chiếc đèn pin gắn trên đầu dùng để làm buổi tối; ủng chân và bao tay.
Hơn 4 giờ sáng, khi những chuyến xe chở rác đầu tiên về tới cũng là lúc cư dân xóm bãi bắt đầu ngày làm việc mới. Một tay cầm bao nhựa, một tay cầm thanh kim loại dài, đầu đội đèn pin, họ chờ sẵn, đợi xe đổ rác xuống là bắt tay vào công cuộc bới tìm, thu lượm. Túi nilon, chai nhựa, miếng kim loại, quần áo cũ… thứ gì có thể bán, có thể tận dụng đều được họ gom lấy và tập kết bên cạnh lều trại của mình.
Khi những chiếc xe làm xong nhiệm vụ đổ rác và đi khỏi, rác vương vãi khắp lối, rác ngập trong rác, chất thành đống cao quá đầu người. Thi thoảng, rác đổ trên những đoạn đường đất đỏ sình lầy, nước chảy ra đen ngòm, bốc mùi nồng nặc.
Chị H’Tới Niê - một người nhặt rác lâu năm ở đây cho biết: “Có người khi mới đi làm, mở khẩu trang ra là uống nước không nổi, ăn không được. Mà phơi mình cả ngày trong nắng gió, bốn bề là rác, bụi bặm, không ăn uống được thì sức đâu mà làm. Tiêu chuẩn là phải chịu nổi mùi của rác thì mới vào nghề được”. Miệng nói, đôi tay chị thoăn thoắt bới rác ra nhặt nhạnh, người mỗi lúc một khom sát xuống tìm để không bỏ sót món đồ nào. Chị H’Tới cũng như nhiều cư dân khác ở xóm bãi này, đã quá quen rồi với mùi của rác. Vì cuộc mưu sinh, họ chỉ mong kiếm được nhiều chai nhựa, vỏ lon từ những núi rác nồng nặc mùi hôi kia để bán lấy tiền lo cho gia đình.
Trời càng tỏ, xe rác về mỗi lúc một đông hơn. Những đống rác cứ thế được chất lên cao, những người nhặt rác cũng hối hả, nhanh tay nhặt nhạnh, tìm bới để kịp xe ủi lấp rác.
Quá trưa, sang chiều, cái nắng và gió mùa khô cao nguyên như càng làm mùi đặc trưng của bãi rác đẩy lên đến đỉnh điểm. Gió ràn rạt, rác, túi nilon bay tứ tung; bụi cuộn lên thành từng đám như khói. Hốc mũi đặc quánh với mùi hôi thối nồng nặc của rác. Nhưng đi hết đống rác này đến đống khác, những dáng người bé nhỏ lạc trong núi rác khổng lồ, họ vẫn cặm cụi bới tìm…
Gần 10 giờ đêm, chuyến xe rác cuối cùng đáp bãi. Bà con xóm bãi thức trực theo để cố tìm kiếm chút nguồn thu cuối cùng trong ngày. Nhặt nhạnh xong cũng hơn 11 giờ khuya, có một số người về, một số thì lấy đêm làm ngày, họ ở lại chờ chuyến xe đầu tiên của ngày mới.
"Trật tự" ở bãi rác
Ông Ngô Lịch, nhân viên bảo vệ bãi rác Hòa Phú cho biết, bãi rác lúc nào cũng “sôi động”, khi nào trên bãi cũng có bảy, tám chục, cao điểm có đến gần 100 con người kiếm sống nhờ rác. Nhiều trong số đó có cả vợ lẫn chồng và con cái họ. Thời điểm không rơi vào mùa màng gì thì người làm còn đông hơn nữa. Đông nhưng họ sống rất “trật tự” và nhường nhịn nhau.
“Trật tự” mà ông Lịch nói đó chính là việc tuân theo đúng quy định của bãi, ai vào đều phải đăng ký qua bảo vệ. Làm việc ở đây 5 năm nay khi bãi rác từ xã Cư Êbur di chuyển về, ông Lịch nhớ mặt nhớ tên rõ từng cư dân nơi xóm bãi này.
![]() |
Những lán trại được người nhặt rác dựng lên ngay trên bãi rác để làm chỗ nghỉ ngơi. |
Ông kể, chưa bao ông giờ nghe thấy bà con to tiếng cãi cọ hay tranh giành phần rác của nhau. Ai tới trước làm trước, ai đến sau, đợi xe rác sau đến bãi thì làm. Không những thế, họ sống rất tình cảm. Cùng nghề nên họ dễ dàng đồng cảm, chia sẻ với nhau, sẵn sàng cho “đồng nghiệp” nếu hôm đó bạn chẳng kiếm được nhiều đồ. Trong đống đồ người ta bỏ đi, họ tìm thấy nguồn thu, chai nhựa, túi nilon, vỏ lon thì đem bán, có không ít món đồ như những chiếc quần, chiếc áo, cái váy còn mới thì mang về, giặt giũ thiệt kỹ rồi dùng. Ông từng chứng kiến cảnh bà con chia nhau cái quần, chiếc áo, túi xách vừa nhặt, còn đẹp, có thể sử dụng được. Họ í ới gọi nhau ướm thử, coi xem con của người này, mẹ của người kia mặc có vừa không. Hễ một người trong số đó ưng ý, họ sẵn sàng nhường hoặc chia phần cho nhau.
“Ngay bản thân tôi, làm bạn riết với cư dân xóm bãi cũng quen, nhiều đồ cũng xài hàng từ bãi rác”, nói rồi ông Lịch chỉ vào chiếc túi nhỏ ông đang cầm trên tay. Chiếc túi có in logo và dòng chữ về tỉnh Thừa Thiên Huế - quê hương của ông. Ông thấy nó ở bãi rác, còn mới, lại có tên quê mình, nên đem về dùng.
Sau những giờ còng lưng vất vả bới tìm khi mỗi chuyến xe rác cập bãi, phút nghỉ tay cho lại sức, lán trại trên bãi rác lại rổn rảng tiếng nói cười. Lán trại đó chứng kiến nhiều câu chuyện đời, buồn vui trong nghề và cả những tai nạn khi ai đó không may đứt tay, trượt chân ngã. Khi được hỏi như vậy bãi rác không ngủ, cư dân xóm bãi nói chính xác thì cũng được nghỉ một ngày. Đó là buổi tiệc tất niên ngày cuối năm - để ngày mồng 1 Tết xóm bãi nghỉ, cư dân cũng có một ngày duy nhất trong năm được nghỉ ngơi trọn vẹn. Khép lại một năm cũ, anh em xóm bãi chung nhau mở một “buổi tiệc” tất niên đơn giản ngay tại lán trại, ăn uống và cầu mong một năm mới khỏe tay khỏe chân để tìm nhặt và “bội thu” từ… rác.
(Còn nữa)
Bài 2: Những phận đời theo… rác
Việt Minh Khôi
Ý kiến bạn đọc