Đời rác…!!! (Bài 2)
Theo chân những người nhặt rác, chúng tôi được thấy một bãi rác không ngủ; được nghe những câu chuyện thấm tình người trong khốn khó; được đồng cảm và sẻ chia với bao cảnh đời cơ cực, thiện lương và nhiều mong ước…
Bài 2: Những phận đời theo…rác
1.Thoăn thoắt gom từng túi nilon trong núi rác, chị Đặng Thị Nhị (huyện Krông Bông) vui mừng hớn hở khi nhặt trúng túi áo quần còn có thể tận dụng để mặc.
Ở bãi rác này, chị Nhị được biết đến là người trẻ tuổi, chịu khó nhất.
Nghỉ tay, gạt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, chị trải lòng: “Còn sức thì gắng làm, phòng khi đau ốm. Mình vừa làm mẹ, vừa làm cha nên cơ cực lắm, chỉ biết cần cù làm lụng”. Mới ngoài ba mươi, chị Nhị đã trở thành góa phụ, mà trước khi gánh chịu nỗi đau ấy, cuộc đời chị còn có những ngã rẽ cay đắng khác.
Chị có hai đứa con, khi đứa bé thứ hai mới được 3 tháng tuổi, chồng chị ngoại tình, biền biệt theo người đàn bà khác không mảy may đoái hoài đến con cái. Khi chị sinh bé ra, chưa một ngày bố con gặp mặt. Rồi anh ta bị tai nạn giao thông qua đời, không tình thì còn nghĩa, chuyện hậu sự chị vẫn đứng ra lo liệu. Vậy là đứa thứ hai vĩnh viễn không biết mặt bố.
Cũng từ đó, chị Nhị chính thức một mình chật vật kiếm tiền nuôi con. Hai đứa nhỏ, một gửi nhà nội, một gửi nhà ngoại chăm sóc, chị lên phố ở trọ để xoay xở đủ cách tìm việc làm, rồi được một người hàng xóm chỉ cho công việc đi nhặt rác. Chị kể, từ phòng trọ đến bãi rác khá xa.
Chị làm từ sáng sớm đến chiều muộn mới về. Những ngày đầu, tiền không có đủ mua nổi cái nồi cơm điện hay bếp gas nên chẳng nấu nướng được gì đem theo. Thế nên, bữa trưa của chị chủ yếu là bún và xì dầu. Anh chị trong xóm bãi thương tình giúp đỡ nên chị mua được bếp, nồi; bữa cơm trưa nhờ vậy cũng chắc dạ để có sức tìm bới rác.
Nhiều hôm tất bật từ sáng sớm, nhưng đến 8 – 9 giờ tối mới về, cả người toàn mùi rác thải. Thấm thoắt cũng 5 năm rồi, ở đây công việc cực nhọc, nhưng cũng có đồng ra đồng vào để nuôi nấng các con, trang trải cuộc sống.
Chị cười thật hiền: “Món yêu thích nhất của mình là trà tắc, trước đây thèm lắm cũng không dám mua uống, giờ thì thích mình cũng mua được trà tắc uống rồi, có tiền nhặt rác mà”.
![]() |
Xe thu mua rác ngay trên bãi rác. |
2. Giữa trưa nắng hanh hao và những trận gió kèm theo bụi mù mịt, cư dân xóm bãi ai nấy cặm cụi cào bới. Bỗng một tiếng hét thất thanh: “Cứu con!”. Mọi người hốt hoảng. Lọt thỏm giữa núi rác, một cánh tay nhỏ xíu giơ lên. Đó là bé H’Ngân Hlong. Mải mê nhặt rác, em không để ý chiếc xe ủi rác đang ùn ùn đẩy rác ngay sau lưng mình. Em được kịp thời giải cứu khi rác đã lấp mất nửa người.
H’Ngân run rẩy sợ hãi, còn bà H’Mai Hlong – dì của em, vừa ôm lấy cháu, vừa nắn đôi chân nhỏ lem luốc rác để trấn an tâm lý cho bé. Bà H’Mai Hlong nói trong nước mắt: “H’Ngân Hlong năm nay 14 tuổi. Mẹ ruột H’Ngân là em gái của tôi, do đau bệnh mất sớm, bố thì đi tù, nên H’Ngân được gia đình đưa về cưu mang đùm bọc”. Nhà bà H’Mai cũng đông con, nheo nhóc, cuộc sống chật vật. Bé H’Ngân nhanh nhẹn và hiểu chuyện lắm, thấy dì làm nghề nhặt rác vất vả nên khi nào rảnh là cũng đòi đi làm cùng để phụ giúp gia đình.
Nhìn H’Ngân không ai cầm được nước mắt. Tuổi thơ em bất hạnh và thiếu thốn cả vật chất và tình cảm của cha mẹ. Nhìn những con đường ngập rác, cầu mong sẽ là con đường “lửa thử vàng” giúp em thêm dạn dày, trưởng thành để có những ngã rẽ tươi sáng hơn trên đường đời sau này.
3. Bãi rác này cũng là nguồn sống, kế sinh nhai duy nhất của cả gia đình chị H’Tới Niê. 20 năm nay, cả vợ cả chồng chị đều bám trụ với nghề nhặt rác để nuôi ba đứa con ăn học.
Không biết chữ, vốn liếng lại càng không, phương châm sống của chị đơn giản là ở đâu có việc để làm thì chọn nơi ấy là nhà. Bởi vậy mà từ ngày bãi rác cũ chuyển đi, cả nhà cũng theo về bãi mới. Gia đình chị chuyển từ thôn 8, xã Cư Êbur về thuê trọ ở buôn Tuôr, xã Hòa Phú để tiếp tục mưu sinh.
![]() |
Mọi người tập trung cứu bé H'Ngân Hlong khi gặp tai nạn trên bãi rác. |
Mỗi ngày, cứ 3 giờ sáng là vợ chồng chị lại lên chiếc xe máy cọc cạch đến bãi rác, cơm nắm mang theo ăn trưa, tối mịt mới về. Bất kể nắng mưa, hai vợ chồng đều đặn có mặt ở bãi rác này. Có chăng hôm nào mệt quá thì đến trễ hơn chút. Ngày nào “trúng mánh” thì nhặt được nhiều phế liệu, còn ít thì cũng tìm thấy đôi thứ còn dùng được từ số rác ở bãi.
Đời mình không được ăn học, không biết chữ lại không có vốn nên tìm miếng cơm manh áo chính đáng có được từ rác cũng là mừng rồi”. Chị H’Tới
|
Chị kể, đời chị không biết chữ, cả cuộc đời cứ nương nhờ… vào rác mà sống. “Cả ngày, từ lúc mở mắt ra cho đến khi trời tắt nắng, đêm xuống tối mịt chỉ toàn thấy rác, tiếp xúc với rác, bụi bẩn và mùi hôi thối, nhưng làm riết thành quen. Đời mình không được ăn học, không biết chữ lại không có vốn nên tìm miếng cơm manh áo chính đáng có được từ rác cũng là mừng rồi” - chị H’Tới tâm sự.
Theo rác để mưu sinh nhưng vài năm trở lại đây, việc bới rác tìm kiếm nguồn phế liệu cũng không dồi dào như trước. Phần vì bãi đã là bến cuối, rác đã được phân loại, nhặt nhạnh chai nhựa, túi nilon trước đó, phần thì cũng không ít người đến đây tìm kiếm sinh nhai.
Trải qua những năm tháng vất vả, không ít hiểm nguy với nghề mưu sinh trên rác, nhưng chị H’Tới vẫn lạc quan, bởi nhờ bới rác mà chị nuôi được ba đứa con khôn lớn, được đi học, được biết mặt chữ. Dù gì, đời con cũng hơn đời mẹ, đó là cố gắng cật lực mà vợ chồng chị dành cho các con.
Nói về ước mơ của mình, chị H’Tới ngậm ngùi: “Ước mơ thì nhiều lắm. Ngày trước, bản thân chỉ ước được đi học, biết cái chữ nhưng nhà nghèo, không được đi học. Sau này lấy chồng sinh được ba đứa con. Chỉ ước con biết mặt chữ, có được cái nghề ổn định, tương lai tươi sáng hơn, không phải theo cái nghề nhọc nhằn, sức khỏe khó đoán định như cha mẹ”.
Những phận đời mưu sinh ở bãi rác, mỗi người mỗi cảnh ngộ. Lắng nghe rồi thêm cảm thương, trân trọng sự kiên trì, chịu khó của những con người ấy và lại thấy mình hạnh phúc khi may mắn được ăn no, mặc ấm hơn biết bao người.
(Còn nữa)
Bài cuối: Nuôi ước mơ từ… rác
Việt Minh Khôi
Ý kiến bạn đọc