“Chìa khóa” thu hút, giữ chân người lao động
Cùng với việc thực hiện tốt các quy định về pháp luật; trả lương cao, thưởng đều; việc hoàn thiện chính sách đãi ngộ cũng là một trong những “chìa khóa” then chốt để doanh nghiệp thu hút, giữ chân người lao động gắn bó, xây dựng doanh nghiệp phát triển.
Chăm lo đời sống người lao động
Những năm gần đây dù gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk vẫn luôn quan tâm việc thu hút và giữ chân người lao động (NLĐ), đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống công nhân. Công ty hiện có gần 2.400 lao động, trong đó có 1.987 người là lao động trực tiếp.
Để tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho NLĐ, công ty đã mạnh dạn chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh, theo sát diễn biến thị trường để tìm kiếm đối tác và mở rộng khách hàng đối với sản phẩm cao su...
![]() |
Ông Nguyễn Viết Tượng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk thăm hỏi, động viên công nhân tại chi nhánh Nông trường 19/8. |
Vào tháng 5 hằng năm (Tháng Công nhân) công ty đều tổ chức chương trình gặp mặt “Cảm ơn NLĐ” để tôn vinh giá trị của NLĐ, cảm ơn những đóng góp tích cực của công nhân. Theo ông Nguyễn Viết Tượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk, NLĐ làm việc tại công ty từ 22 năm (đối với lao động trực tiếp) và từ 25 năm (đối với lao động gián tiếp) sẽ nhận được những phần quà (tiền mặt) và thư cảm ơn của lãnh đạo công ty. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, tiếp thêm động lực để NLĐ yên tâm gắn bó với công ty.
Năm 2024 số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tỉnh tăng 2,9% so với năm 2023, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Mức lương bình quân của lao động tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có góp vốn của Nhà nước 8,03 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước 7,59 triệu đồng/người/tháng và doanh nghiệp vốn FDI là 6,6 triệu đồng/người/tháng. |
Phần lớn lao động trực tiếp của công ty là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên những năm gần đây, công ty và tổ chức công đoàn đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống cho đối tượng này. Trong đó, ngoài việc thường xuyên tặng quà vào các dịp lễ, Tết, Tháng Công nhân, lễ ra quân khai thác mủ cao su... thì công ty còn trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm công đoàn, hỗ trợ giống vật nuôi; khen thưởng hay tổ chức du lịch, tham quan cho cán bộ, công nhân và con em cán bộ, công nhân đạt thành tích cao trong học tập...
Đơn cử như tháng 4/2025, công ty đã hỗ trợ xây dựng 10 nhà Mái ấm công đoàn (trị giá 50 triệu đồng/căn) và trao 6 con bò sinh sản (tổng trị giá 90 triệu đồng) tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của cán bộ, nhân viên và người lao động công ty đạt 7,56 triệu đồng/tháng; năm 2025 dự kiến mức này sẽ đạt 8,41 triệu đồng/tháng.
Thiện chí từ chủ doanh nghiệp
Từ năm 2024 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk đã phục hồi hoạt động sản xuất nên tăng cường tuyển lao động. Riêng trong tháng 4/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm với tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị là 3.700 người; tại Trung tâm cũng đã có 130 đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 7.282 người.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH KVD VINA (Cụm công nghiệp Tân An), Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk (Khu Công nghiệp Hòa Phú) có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công nhân nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Thực tế, tình trạng thiếu lao động đang là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm. Do đó, để tăng cường kết nối, giữ chân NLĐ, biện pháp quan trọng nhất chính là thiện chí của doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất. Trong đó, chính sách đãi ngộ không chỉ dừng lại ở mức lương thưởng hấp dẫn mà bao gồm một hệ sinh thái các yếu tố khác nhau, tác động sâu sắc đến sự hài lòng và động lực làm việc của NLĐ.
![]() |
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk. |
Cụ thể, bên cạnh bảo đảm mức thu nhập xứng đáng với năng lực và đóng góp của nhân viên, đi kèm với các chế độ phúc lợi như bảo hiểm, nghỉ phép, thưởng lễ, Tết, hỗ trợ chi phí đi lại, ăn trưa... cần tạo điều kiện cho nhân viên được đào tạo nâng cao kỹ năng, tham gia các dự án thử thách, có lộ trình thăng tiến rõ ràng; xây dựng môi trường làm việc cởi mở, tôn trọng, khuyến khích sự sáng tạo và hợp tác; quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên; thường xuyên ghi nhận những đóng góp của nhân viên, có hệ thống đánh giá hiệu suất minh bạch và công bằng...
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động hiện nay, việc thu hút và đặc biệt là giữ chân NLĐ đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Không chỉ đơn thuần là vấn đề chi phí tuyển dụng và đào tạo lại, mà sâu xa hơn, sự ổn định và gắn bó của đội ngũ NLĐ chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc