Multimedia Đọc Báo in

Chủ động, sáng tạo để về đích

07:37, 16/05/2025

Đến nay, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được gần 209.000 căn, hoàn thành và bàn giao hơn 111.000 căn để các hộ gia đình được ở trong ngôi nhà mới.

Có thể nói, đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh các cấp, các ngành, các địa phương đang phải thực hiện đồng thời các nhiệm vụ, nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.

Tính đến ngày 7/5, cả nước đã có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát. Để thiết thực kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 5 có thêm 6 địa phương hoàn thành, tháng 6 có thêm 16 địa phương hoàn thành và 26 địa phương còn lại phấn đấu từ tháng 7 đến tháng 10/2025 hoàn thành Chương trình.

Một hộ nghèo trên địa bàn xã Đắk Liêng (huyện Lắk) được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đáng chú ý, cùng với sự quyết tâm, trách nhiệm cao, nhiều địa phương trên cả nước đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, sớm hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; không thụ động chờ kinh phí Trung ương mà chủ động sử dụng nguồn lực tại chỗ để triển khai ngay.

Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long đã sớm ứng kinh phí từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn xã hội hóa khác để hỗ trợ xây nhà cho người có công, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đã triển khai chương trình sinh kế để tránh tình trạng hộ nghèo "tái nghèo" sau khi nhận nhà mới. Đây là cách làm mang tính bền vững, góp phần ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

 

"Quyết tâm cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu đã đề ra; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ xong trước ngày 27/7 và người có công với cách mạng xong trước ngày 2/9” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hay như tỉnh Tây Ninh ngoài việc huy động tốt nguồn lực xã hội hóa ở địa phương với số tiền hơn 50 tỷ đồng thì còn nâng chất lượng cuộc sống cho người dân bằng cách nâng diện tích nhà lên 42 m² (so với tiêu chuẩn 32 m²) và tặng kèm thiết bị thiết yếu: tivi, quạt điện, nồi cơm điện, bể nước, máy lọc nước…

Đối với các trường hợp hộ không có đất, tỉnh chủ động bố trí quỹ đất công, xây dựng các khu dân cư mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, nước sạch và trang thiết bị thiết yếu cho các hộ gia đình...

Nhờ đó, qua 4 tháng triển khai, đến ngày 25/4/2025, tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành cơ bản đề án, bàn giao nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại Đắk Lắk, dù đã đẩy mạnh công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng vẫn đang là tỉnh có tiến độ thực hiện còn chậm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định ngoài  khó khăn về điều kiện đất đai, kinh phí thì còn do danh sách đối tượng thụ hưởng biến động vì không còn nhu cầu, sai lệch thông tin, thay đổi đối tượng thụ hưởng...

Tính đến ngày 10/5, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 3.776/5.577 căn, gồm: xây mới 3.534 căn và sửa chữa 242 căn. Như vậy, từ nay đến cuối tháng 10/2025, tỉnh Đắk Lắk vẫn cần phải hỗ trợ xóa 1.801 nhà tạm, nhà dột nát.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm nhà dột nát cho người dân trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Thiết nghĩ, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm mục đích để người dân “an cư lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, học tập và tham gia các hoạt động xã hội. Nếu các mô hình, cách làm hay ở các tỉnh đã “về đích” được lan tỏa, học hỏi và nhân rộng trên phạm vi cả nước thì nhiều địa phương, trong đó có Đắk Lắk sẽ sớm tháo gỡ được những “nút thắt” trong quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở không bị “bỏ lại phía sau”.

Tại phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Những địa phương nào làm tốt đều có sự quan tâm, vào cuộc tích cực, quyết liệt của các đồng chí bí thư, chủ tịch; trong khi đó, ở một số địa phương, ban chỉ đạo, người đứng đầu quyết tâm chưa cao, chưa quyết liệt. Do đó, phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương và các ban chỉ đạo; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng nêu rõ: “Người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả; nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật. Bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, có phản ứng chính sách, giải pháp phù hợp, đúng thời điểm, xử lý ngay, dứt điểm các vấn đề phát sinh; báo cáo, đề xuất ngay những vấn đề vượt thẩm quyền”.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đưa việc học tập và làm theo gương Bác đi vào chiều sâu
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để nghiên cứu, học tập, quán triệt Chuyên đề năm 2025 "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk".