Multimedia Đọc Báo in

Thức ăn đường phố: "Tiện" nhưng chưa "lợi"

08:18, 06/05/2025

Với lối sống công nghiệp như hiện nay, không ít người lựa chọn thức ăn đường phố để sử dụng vì các loại thực phẩm này được cho là ngon, rẻ, nhanh gọn, tiện lợi.

Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc tại các quán ăn đường phố là rất lớn.

Nỗi lo thực phẩm mất vệ sinh

Là “tín đồ” của món bún cá dầm suốt gần 20 năm qua, hằng tuần gia đình chị Lê Thị H. (34 tuổi, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đều thưởng thức món ăn này từ 1 - 2 lần. Gần đây, trong một lần đến ăn món ăn thân thuộc, chị H. phát hiện hũ gia vị ớt có dấu hiệu lên mốc trắng.

Quan sát các bàn kế bên, chị H. phát hiện các hũ đựng gia vị đều cáu bẩn, không có nắp đậy, chanh được cắt vụn thành từng miếng nhỏ nhưng bị cũ, dập và bám bụi. Được biết, đây là quán bún cá dầm nổi tiếng tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hàng chục năm qua kinh doanh theo hình thức vỉa hè với số lượng thực khách lên đến hàng trăm lượt/ngày.

Theo chia sẻ của chị H., do công việc bận rộn, chị thường lựa chọn thức ăn nấu sẵn, thức ăn nhanh bán ở vỉa hè để sử dụng bởi giá thành rẻ, đa dạng các món, khẩu vị cũng rất ngon. Dù đã được cảnh báo nhiều về tình trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng tại các quán ăn vỉa hè, nhưng chỉ đến khi tận mắt chứng kiến hũ ớt đã lên mốc mà chủ quán vẫn thản nhiên để thực khách sử dụng, chị H. mới thực sự lo ngại về chất lượng món ăn gia đình sử dụng bấy lâu nay.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại siêu thị để giảm nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từng là nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do thức ăn vỉa hè nên chị Trần Minh Thiện (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) rất cẩn trọng trong việc ăn uống. Theo lời kể của chị Thiện, chị có con trai 9 tuổi đang theo học tại một trường tiểu học trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP. Buôn Ma Thuột. Trong một lần ăn đậu hũ của một gánh hàng rong bán ở đối diện cổng trường, chị xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội kèm triệu chứng nôn ói và được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi. Kết quả cho thấy, chị Thiện bị ngộ độc thực phẩm.

Dạo quanh một vòng các trường học, các tuyến đường nội thành của TP. Buôn Ma Thuột, loại hình buôn bán thức ăn vỉa hè, hàng rong, xe đẩy mọc lên như nấm sau mưa. Thức ăn được bày bán đa dạng, bắt mắt, đánh lừa thị giác người dùng nhưng cách bảo quản lại sơ sài, không bảo đảm vệ sinh ATTP.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng, thành phố là đô thị có tốc độ phát triển nhanh chóng về kinh tế, du lịch và dịch vụ ăn uống. Hiện nay vi phạm ATTP vẫn còn xảy ra trên địa bàn thành phố đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý.

Trong năm 2024, thành phố đã tổ chức 3 đợt kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATTP theo phản ánh của người dân tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, trong tổng số 3.058 cơ sở được kiểm tra có 2.752 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 90%; số cơ sở vi phạm là 326 cơ sở, trong đó có 68 cơ sở bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 160 triệu đồng. Từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố cũng đã xử phạt 5 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền là 40 triệu đồng. Đối với 258 cơ sở vi phạm không xử lý vi phạm hành chính, UBND thành phố cũng đã giao các UBND xã, phường giám sát việc khắc phục của cơ sở.

Khó khăn trong công tác quản lý

Sở Y tế cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 16.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố; trong đó, số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố chiếm tỷ lệ hơn 55,5%. Hằng ngày, các cơ sở này phục vụ ăn uống trực tiếp cho một lượng lớn người tiêu dùng của tỉnh.

Qua thực hiện thanh tra, kiểm tra ATTP tại 10.835 cơ sở, có 793 cơ sở vi phạm về ATTP, các ngành chức năng đã xử phạt 225 cơ sở với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đáng nói, gần đây một số vụ vi phạm ATTP quy mô lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh như vụ việc các cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất hay vụ làm giả sản phẩm kẹo rau củ Kera đặt ra thách thức rất lớn trong công tác quản lý ATTP tại địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP kiểm tra khu vực bảo quản và chế biến thực phẩm của một cơ sở kinh doanh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, công tác bảo đảm ATTP hiện đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn như vấn đề dư lượng hóa chất trong sản phẩm thực phẩm, điều kiện vệ sinh ATTP của các cơ sở chế biến, khó khăn trong kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu trên thị trường, ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh ATTP của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng còn thấp. Hậu quả cuối cùng là ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm cao, gây tổn thất về sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện nay, qua công tác kiểm tra cho thấy, lỗi vi phạm của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chủ yếu về điều kiện vệ sinh, không tuân thủ quy định về ATTP, không xuất trình được nguồn gốc thực phẩm, không phân khu riêng biệt thực phẩm sống và chín nên dễ gây nguy cơ mất ATTP. Bên cạnh đó, các quán ăn vỉa hè thường hoạt động tự phát và thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Việc thiếu các biện pháp kiểm soát định kỳ khiến nhiều quán ăn không tuân thủ các quy định về vệ sinh ATTP, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyên Hà


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.