"Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên"...
Trong công cuộc kiến thiết đất nước hôm nay, trên dải đất hình chữ S có hai vùng đất tưởng xa xôi nhưng bắt đầu gắn bó khăng khít: Đắk Lắk - "thủ phủ" cà phê Việt Nam và Phú Yên - xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh”.
Thành ra, cuộc sáp nhập lần này, không chỉ nối liền những cung đường uốn lượn mà còn là khởi điểm để bắc nhịp cầu giao thương nơi hương rừng hòa quyện cùng vị biển cả.
Tôi có anh bạn quê ở Phú Yên cũ, vốn tính hào sảng của người miền biển, thi thoảng gửi biếu quà quê, nói để “ăn lấy thảo” nhưng lúc là thùng hải sản tươi rói, khi thì khô cá, khô tôm rồi đủ các loại mắm… Tôi cũng gửi biếu lại sầu riêng, bơ, mít… một chút tấm lòng thơm thảo của quê mình. Quà quê cứ thế xuôi theo những chuyến xe "lên rừng, xuống biển" là những loại hoa trái vườn nhà, con cá, hũ mắm nhưng làm rộn vui con tim người gửi. Mỗi một chuyến hàng chuyển đi, gửi gắm trong đó đong đầy tình cảm bạn bè. Tôi biết, điều mỗi người nhận đuợc không chỉ vì món ăn để “ngắm nhìn, thưởng thức” mà còn là niềm tự hào, hãnh diện về sản vật của quê hương…
![]() |
Đắk Lắk - Phú Yên, kết nối biển rừng. |
Giờ đây, khi Đắk Lắk - Phú Yên về chung một nhà, đó không chỉ là quà xã giao nữa, tất cả sản vật quê được chọn để gửi tặng mang trong mình không chỉ giá trị "thương hiệu" món ngon quê nhà mà còn là bản sắc văn hóa ẩm thực, lịch sử của vùng đất từng gắn bó, ai cũng muốn níu giữ.
Không chỉ là “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”, những chuyến xe xuôi xuống biển rồi ngược về phía núi mang “sầu riêng gửi xuống, cá ngừ gửi lên…”, từng món ngon cứ thế mang theo hơi thở của đại ngàn, hương nồng nàn của đất đai, thanh ngọt trong từng loại quả đến với phố biển. Ngược lại, bạn mang theo hơi thở mặn mòi của biển, nặng cái tình của người Phú Yên cũ, gửi về quê mới.
Từ câu chuyện quả sầu riêng, cà phê hay quả mít non đến con cá chuồn, cá ngừ trao gửi qua lại, nói vậy để thấy, bản đồ ẩm thực sau sáp nhập cũng bắt đầu được định vị thương hiệu mới, có thêm hàng loạt đặc sản trứ danh làm nức lòng người. Không gian rộng lớn, bản đồ địa lý đã lớn hơn trước, ẩm thực vì thế cũng mở ra nhiều dư vị ngọt ngào khó cưỡng. Sự phong phú này sẽ tạo giá trị cộng hưởng nâng tầm du lịch tỉnh Đắk Lắk mới, để cùng nhau lan tỏa bản sắc.
Từ món quà xã giao chứa đựng nhiều tâm tình đến sự giao hòa của ẩm thực đặng kể những câu chuyện về văn hóa qua từng đặc sản, tôi lại nghĩ đến sự giao thoa văn hóa của con người trong bối cảnh mới. Đắk Lắk cũ là nơi "níu chân" người viễn xứ. Trước đây, tỉnh có đến 49 dân tộc từ nhiều vùng quê trong cả nước chọn làm nơi sinh cơ, lập nghiệp. Trong công cuộc sáp nhập đi vào lịch sử lần này, tỉnh Đắk Lắk mới đón thêm văn hóa biển lâu đời của “người dân xứ Nẫu”, cùng cộng hưởng văn hóa đặc sắc làm nơi neo giữ tâm hồn mỗi người.
Quê hương Đắk Lắk thơm thảo đón những người con thương quý đến an cư lập nghiệp, hòa văn hóa vào dòng chảy mới và hợp sức làm rạng rỡ cho quê nhà. Chắc chắn, những giá trị văn hóa hiện hữu và tình người sâu nặng của biển - rừng sẽ được vun đắp, phát huy để quê mới Đắk Lắk thẩm thấu thêm nhiều men vị, làm say lòng người.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc