Multimedia Đọc Báo in

Hiểu đúng về tiêm vắc xin ngừa COVID-19

08:29, 07/08/2021

Để phòng chống dịch COVID-19, cùng với tuân thủ nguyên tắc 5K, hiện nay nước ta đang đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân có tâm lý e ngại khi tiêm vắc xin vì sợ tác dụng phụ, có bệnh lý nền, cơ địa dị ứng hoặc lựa chọn vắc xin để tiêm, không biết theo dõi như thế nào sau tiêm…

Hiện nay, có 5 loại vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng sau đây đã được cấp phép tại Việt Nam: AstraZeneca (A2D1222 - Anh), Gamalay (Sputnik V - Nga), Pfizer (Comirnaty – Mỹ), Moderna (Spikevax – Mỹ), Sinopharm (Vero-Cell – Trung Quốc). Trong đó, vắc xin của AstraZeneca và Gamalaya dùng công nghệ vec-tơ, của Pfizer và Moderna dùng công nghệ mRNA, của Sinopharm dùng công nghệ vi rút bất hoạt. Riêng vắc xin thứ sáu đã được Bộ Y tế phê duyệt là vắc xin Janssen do Janssen Pharmaceutica (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất chưa có mặt tại Việt Nam.

Tùy từng loại vắc xin mà độ tuổi cho phép tiêm chủng khác nhau. Vắc xin của Pfizer có thể tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, trong khi đó của AstraZeneca, Moderna là từ 18 tuổi. Những người từ 65 tuổi trở lên, đặc biệt trên 75 tuổi là những người cần tiêm vắc xin nhất vì sức đề kháng đã suy giảm nghiêm trọng nên khi nhiễm bệnh sẽ dễ diễn tiến sang thể nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Hơn nữa, nhóm người cao tuổi này có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch cao và hấp thu vắc xin tốt.

Đối với bệnh nhân có bệnh nền như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường nếu đang ổn định thì vẫn có thể tiêm vắc xin nhưng tốt nhất nên tiêm ở bệnh viện vì điều kiện và phương tiện cấp cứu được trang bị đầy đủ.

Tuy nhiên, một số người sẽ không được tiêm ngay thời điểm hiện tại mà sẽ được tiêm vào thời điểm thích hợp (trì hoãn tiêm). Đó là những người mắc các bệnh cấp hay mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng như: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, đã cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; những người đã điều trị corticoid liều cao trong vòng 14 ngày trước; những người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng vì sau khi mắc bệnh chỉ có dưới 50% có kháng thể ở mức bảo vệ và không bảo vệ được cơ thể với các biến chủng mới; phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; đã tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày qua.

Tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên tại Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Kim Oanh

Nên lưu ý là vắc xin sẽ không tiêm cho những đối tượng sau đây: có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào, dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin và có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

 

Không có loại vắc xin nào bảo vệ cơ thể 100%, do đó sẽ có một số ít người vẫn mắc bệnh dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhưng đa số những người này không có triệu chứng bệnh hoặc bệnh nhẹ. Đây là lợi ích quan trọng nhất của vắc xin ngừa bệnh COVID-19.

Tùy loại vắc  xin mà khoảng cách giữa 2 mũi tiêm khác nhau, có thể là 3 tuần (Pfizer, Sinopharm, Sputnik V), 4 tuần (Moderna) hoặc 8 - 12 tuần (AstraZeneca). Đối với AstraZeneca, những kết quả thử nghiệm gần đây cho thấy nếu khoảng cách là 12 tuần thì hiệu quả vắc xin sẽ cao hơn.

Ngoài ra, theo nguyên tắc thì vắc xin tiêm lần 1 và lần 2 phải chung một loại. Tuy nhiên, trong tình huống thiếu vắc xin như hiện nay, chúng ta vẫn có thể kết hợp hai loại vắc xin cho hai lần tiêm (tiêm trộn). Vấn đề này tùy thuộc từng quốc gia: ở Mỹ không cho phép, Canada cho phép kết hợp giữa Moderna và Pfizer, Đức và Việt Nam cho phép liều đầu là AstraZeneca và liều 2 là Pfizer. Riêng mũi tiêm thứ 3 là mũi tăng cường (bổ sung) đang được các đơn vị sản xuất nghiên cứu.

Phản ứng sau tiêm thường gặp là đau, đỏ, sưng chỗ tiêm, mệt mỏi, uể oải, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, tiêu chảy. Các tác dụng phụ nặng hơn là phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, hội chứng huyết khối giảm tiểu cầu… song rất hiếm gặp. Để giảm tình trạng sưng đau chỗ tiêm, chúng ta có thể chườm ấm lên vùng tiêm, vận động nhẹ nhàng tay đã được tiêm vắc xin.

Về theo dõi sau tiêm, tốt nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm không nên ở một mình vì khi có sự cố sẽ không có người hỗ trợ kịp thời; không uống rượu, bia trong 3 ngày đầu; điện thoại luôn luôn mở và phải có số điện thoại tư vấn và hỗ trợ sau tiêm ngừa; nghỉ ngơi thoải mái, không làm việc nặng, uống nhiều nước. Đặc biệt lưu ý không dùng thuốc hạ sốt Paracetamol để phòng ngừa sốt vì thời gian tác dụng của thuốc chỉ kéo dài khoảng 4 giờ và dùng nhiều thuốc này có nguy cơ gây độc cho gan, nhất là những người có bệnh gan và hay uống rượu. Chỉ dùng Paracetamol 500mg khi có sốt 38,5oC trở lên, dùng 1 viên mỗi lần, cách mỗi 4 – 6 giờ nếu còn sốt. Nếu chỗ tiêm sưng đau tăng lên sau 24 giờ, sốt trên 390C, cảm thấy trong người “không ổn” thì cần được bác sĩ tư vấn ngay. Các dấu hiệu nguy hiểm cần báo động ngay sau khi tiêm là: nổi mề đay, sưng môi, sưng mi mắt, thở khó, thở rít, khàn giọng, nuốt khó, mệt lả, toát mồ hôi, tay chân lạnh, tim đập nhanh, tím tái.

Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay khi cả nước đang đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, sự chung sức đồng lòng của toàn dân là vấn đề quan trọng giúp chiến dịch tiêm vắc xin thành công. Cần hiểu rõ, hiểu đúng về vắc xin để không chần chừ bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, tự theo dõi tại nhà sau tiêm chủng, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để nhanh chóng được tư vấn, xử trí đúng lúc những tác dụng phụ không mong muốn.

PGS.TS.BS Bùi Quốc Thắng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.