Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc phụ nữ mang thai trong thời dịch COVID-19

08:46, 26/09/2021

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người có xu hướng hạn chế đi khám bệnh tại các cơ sở y tế vì sợ lây nhiễm bệnh, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, phụ nữ có thai nếu không khám thai định kỳ thì khó phát hiện bất thường, dễ gặp rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và em bé.

Cùng chung tâm lý lo ngại dịch COVID-19, nhiều thai phụ ngại đến cơ sở y tế để khám thai định kỳ. Dù mang bầu ở tuần thứ 31 nhưng sợ nhiễm bệnh khi đến chỗ đông người nên chị Trần Thị Minh (trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) rất ít đi khám thai. Đến khi bị ra máu bất thường, đi khám thì chị mới biết là thai bị nhau bám thấp, nguy cơ sinh non nên phải nhập viện để dưỡng thai.

Tương tự, chị Lưu Thị Tuyền (trú phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cũng sợ dịch bệnh nên không đi khám thai định kỳ, đến khi chuyển dạ nhập viện khám thì em bé thai ngôi ngược mà sản phụ không hề biết.

Chị Tuyền chia sẻ: “Mình thấy sức khỏe tốt nên chủ quan không đi khám, với lại cũng sợ đến nơi đông người dịch bệnh phức tạp. Đến khi nhập viện sinh mới biết em bé bị ngôi ngược, việc sinh nở khó khăn hơn rất nhiều, cũng may các bác sĩ đã giúp em bé chào đời an toàn”.

Phụ nữ mang thai đến kiểm tra sức khỏe Trạm Y tế xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. Ảnh: Kim Hoàng

Theo các bác sĩ sản khoa, đối với phụ nữ mang thai thì việc khám thai định kỳ là rất cần thiết. Thai phụ cần được thăm khám đầy đủ vào các mốc thai kỳ quan trọng. Trong 3 tháng đầu, thai phụ phải đi khám để khẳng định mình có thai hay không, thai nằm trong hay ngoài tử cung, đồng thời phát hiện kịp thời các hội chứng dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hội chứng Down, một số bất thường về nhiễm sắc thể như bệnh Edward hoặc Patau…

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ phải thăm khám để bác sĩ đo lượng nước ối, kiểm tra tư thế em bé nằm…; có thể can thiệp kịp thời trong trường hợp thai phụ bị nhau tiền đạo, ngôi thai ngược, ngôi thai ngang.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để có một thai kỳ khỏe mạnh, phụ nữ mang thai cần chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tự theo dõi sức khỏe bản thân. Khi có những bất thường hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi, phụ nữ mang thai cần tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, trong đó giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là những yếu tố vô cùng quan trọng để phòng lây nhiễm bệnh. Cần đi khám thai và kiểm tra sức khỏe trong những giai đoạn quan trọng của thai kỳ, đặc biệt không nên trì hoãn tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có cơ hội và theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi có nghi ngờ, đau họng, mệt, khó thở thì nên chủ động xét nghiệm để có thể phát hiện, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, thai phụ cần chú trọng chế độ dinh dưỡng bởi đây là một trong những yếu tố quyết định sức khỏe của người mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Bước vào thai kỳ, người mẹ cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm nhóm chất đạm, protein, đường bột và chất béo; bổ sung vitamin và khoáng chất như axit folic, sắt, canxi, magie, kẽm… Sản phụ không nên sử dụng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, nước chè đặc, thuốc lá...; giảm ăn các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu, dấm, tỏi; nên ăn nhạt (bớt muối), nhất là các bà mẹ bị phù thận; khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Cùng với dinh dưỡng, vận động trong thai kỳ cũng mang lại hiệu quả tích cực cho sức khỏe của mẹ và bé. Phụ nữ mang thai nên duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ, tập yoga, bơi lội….

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.