Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ phát tán mầm bệnh COVID-19 từ rác khẩu trang y tế

07:13, 12/09/2021

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, người dân đã tự giác hơn trong việc thực hiện biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Tuy nhiên, tình trạng những chiếc khẩu trang y tế sau khi sử dụng vứt bừa bãi không đúng nơi quy định đang là nguy cơ tiềm ẩn làm phát tán, lây lan dịch bệnh và tác động tiêu cực đến môi trường.

Đối với các bệnh tật liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là bệnh COVID-19 thì việc mang khẩu trang nói chung và khẩu trang y tế nói riêng có tác dụng vô cùng hữu hiệu làm hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh. Khẩu trang được sử dụng thường xuyên, phổ biến, gần như trở thành vật dụng không thể thiếu của mọi người. Tuy nhiên, từ đây cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng vứt khẩu trang sau khi sử dụng không đúng nơi quy định. Trên các góc phố, vỉa hè, các tuyến đường hay khu vực công cộng dễ dàng bắt gặp những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt vương vãi.  

Chị Cao Thị Thủy (công nhân vệ sinh Công ty TNHH môi trường Phương Đông) cho biết: “Trong thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay, những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt bỏ trên vỉa hè, lề đường khiến chúng tôi rất ái ngại bởi chúng là rác thải y tế, có nguy cơ lây bệnh rất cao. Hy vọng, mỗi người nên có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, không chỉ bảo đảm mỹ quan đường phố mà còn phòng tránh được nguy cơ lây lan bệnh nguy hiểm”. Một người dân ở TP. Buôn Ma Thuột là chị Nguyễn Thị Sương (trú phường Tự An) cũng vô cùng bức xúc khi nhìn thấy những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi trên các tuyến đường gần nơi chị sinh sống. “Thật nguy hiểm. Khẩu trang đã qua sử dụng nên vứt bỏ đúng nơi chứ đừng vứt bừa bãi như vậy. Cho dù không có dịch thì bình thường đã không nên rồi, còn đối với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay lại càng nguy hiểm hơn” - chị Sương nói.

Khẩu trang bị vứt bừa bãi ven đường.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, khẩu trang nói chung hay khẩu trang y tế nói riêng khi đã sử dụng thì có thể coi như là một vật gây nhiễm vì nó chứa dịch tiết đường hô hấp của người sử dụng, nguy hiểm hơn là từ chính những người vốn đã mang mầm bệnh. Khi chúng ta vứt bừa bãi, những chiếc khẩu trang là nơi phát triển của các loại vi rút, vi khuẩn, nấm… tạo ra những ổ nhiễm và có thể gây nên những nguy cơ đối với sức khỏe con người. Hơn nữa, khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền, rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Theo các chuyên gia môi trường, khẩu trang y tế chính là mối hại lớn cho môi trường bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân hủy.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, trong quá trình sử dụng, đối với loại khẩu trang có thể tái sử dụng như khẩu trang vải, khi tháo ra để giặt, mọi người cần cho khẩu trang vải vào ngâm trong nước sôi 5 phút. Đây là thao tác cần làm để diệt sạch vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn. Sau đó, vò nhẹ bằng xà phòng diệt khuẩn và phơi khô khẩu trang dưới nắng.

Đối với khẩu trang y tế dùng một lần, tuyệt đối không dùng tay cầm vào phía trước khẩu trang vì đó có thể đã nhiễm khuẩn. Để gỡ khẩu trang, chỉ cần dùng tay giữ hai bên quai đeo qua tai, kéo ra khỏi tai và bỏ đúng nơi quy định (thùng chứa đựng chất thải phải có nắp kín), đồng thời phải rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Sử dụng khẩu trang để phòng dịch bệnh COVID-19 là điều cần thiết, tuy nhiên người sử dụng cũng cần ý thức về việc thải bỏ và xử lý khẩu trang đúng quy định, có như vậy thì việc thực hành biện pháp phòng bệnh mới đạt hiệu quả.

Tại điểm c, điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nêu rõ: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

 

 Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.