Nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở phụ nữ
Phụ nữ chịu tác động của đại dịch HIV/AIDS trên nhiều khía cạnh, trước hết, họ là đối tượng dễ cảm nhiễm với HIV/AIDS, vì các lý do liên quan đến giới.
Thực tế, phụ nữ dễ bị lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục hơn nam giới về phương diện sinh học. Về mặt dịch tễ học, phụ nữ có xu hướng lấy chồng lớn tuổi hơn, do vậy người chồng có thể đã có nhiều bạn tình trước đó và cũng có thể đã nhiễm HIV. Phụ nữ phải sinh nở, ốm đau bệnh tật có thể mất máu, truyền máu nên tăng khả năng lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận dự phòng theo công thức “ABC” (A: Abstinence - kiêng cữ, tiết dục; B: Befaithful - chung thủy; C: Condom use - sử dụng bao cao su) thường là không đủ và nhiều khi không khả thi. Theo một số chuyên gia, phụ nữ làm sao tiết dục được khi có không ít phụ nữ còn bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị cưỡng dâm, hiếp dâm, ép dâm…, kể cả đối với trẻ em gái.
Phụ nữ khó có thể an toàn trong thế giới có AIDS, bởi họ có giữ hoàn toàn chung thủy thì họ vẫn có thể bị lây nhiễm từ chồng. Phụ nữ khó tiếp cận bao cao su vì họ là người bị động trong quan hệ tình dục nên khó có thể có quyền đòi sử dụng bao cao su… Nói cách khác, đại đa số phụ nữ bị nhiễm HIV là do hành vi nguy cơ cao của người khác.
Tặng quà cho bệnh nhân nữ nhiễm HIV/AIDS tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). |
Mặt khác, trong trường hợp có chồng bị nhiễm HIV, người phụ nữ vốn đã phải gánh vác trách nhiệm lo lắng cho gia đình, chăm sóc và nuôi dạy con cái, giờ lại phải chăm lo cho người chồng ốm đau, phải làm việc để nuôi sống gia đình… Không những thế, nhiều phụ nữ góa chồng do bệnh AIDS đã bị đẩy ra khỏi gia đình và bị tước đoạt các tài sản của mình.
Ngược lại, nếu phụ nữ bị nhiễm HIV, họ thường bị xã hội kỳ thị hơn so với nam giới, bị ruồng bỏ, bị tước quyền thừa kế, quyền nuôi dạy con cái. Kết cục, những phụ nữ bị đẩy ra bên lề xã hội, như gái mại dâm, những người nghiện hút có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn, các tác động của HIV đối với họ trở nên nghiêm trọng hơn, họ ít có cơ hội tiếp cận với hệ thống hỗ trợ của cộng đồng.
Theo thống kê đến tháng 10/2021 của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), hiện nay toàn tỉnh đang quản lý điều trị 650 bệnh nhân nhiễm HIV; trong đó nữ giới chiếm 37,7% (245/650), trẻ em nữ chiếm 55% (11/20). Phần lớn các đối tượng đều khó khăn, là mẹ đơn thân, việc làm không ổn định, chồng chết hoặc đồng nhiễm HIV…
Để giảm thiểu những tác động nguy cơ lây nhiễm HIV, các nhu cầu và các vấn đề của phụ nữ cần được giải quyết trên phạm vi toàn xã hội, nhất là ở cộng đồng. Xóa bỏ những yếu tố kinh tế - xã hội góp phần tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV của phụ nữ như bất bình đẳng giới, đói nghèo, cơ hội việc làm, sự bảo vệ của pháp lý về quyền con người. Cần tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là biện pháp can thiệp dự phòng theo công thức ABC… Giải quyết các nhu cầu của phụ nữ đối với công tác phòng, chống HIV, điều trị và chăm sóc là vấn đề sống còn để hạn chế dịch HIV lây lan trong cộng đồng.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc